HƯỚNG DẪN THỦ TỤC GHI NỢ VÀ THANH TOÁN NỢ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

Theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP (đã được bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP) hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định và hộ gia đình

Theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP (đã được bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP) hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi: ‘nợ tiền sử dụng đất’ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất và thanh toán nợ tiền sử dụng đất được hướng dẫn tại Thông tư 93/2011/TT-BTC ngày 29/6/2011 của Bộ Tài chính như sau:

 

Đối với việc ghi nợ tiền sử dụng đất:

Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định có đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất kèm theo hồ sơ có liên quan gửi về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường) thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có đất;

Thứ hai, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường) thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có ghi nợ nghĩa vụ tài chính (bao gồm cả tiền sử dụng đất); sau đó lập và chuyển Phiếu thông tin địa chính kèm theo bản sao một bộ hồ sơ cho Cơ quan Thuế cùng cấp để xác định số tiền sử dụng đất phải nộp của hộ gia đình, cá nhân theo quy định và lập sổ theo dõi việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất. Sổ theo dõi nợ được lập chi tiết theo diện tích đất ở trong hạn mức và diện tích đất ở ngoài hạn mức.

Về việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất:

Thứ nhất, khi thanh toán nợ tiền sử dụng đất, người sử dụng đất đến cơ quan thuế kê khai thanh toán nợ, cơ quan thuế căn cứ vào sổ theo dõi nợ để làm thủ tục thanh toán nợ cho hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp sau 5 năm, hộ gia đình, cá nhân mới thanh toán nợ hoặc trong thời hạn 5 năm mà chưa thanh toán hết nợ thì số tiền sử dụng đất còn nợ đối với từng loại diện tích trong hạn mức và ngoài hạn mức được quy đổi ra tỷ lệ (%) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (= tiền sử dụng đất còn nợ/tổng số tiền sử dụng đất được tính theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhân (x) với tiền sử dụng đất xác định lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

Giá đất tính thu tiền sử dụng đất tại thời điểm trả nợ là giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định (đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất ở), là giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với diện tích vượt hạn mức).

Thứ hai, sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành việc thanh toán nợ, cơ quan thuế ra thông báo hoặc xác nhận để người sử dụng đất đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường) làm thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ ba, hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng thì phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ. Trường hợp được phép chuyển nhượng một phần thửa đất, thì cơ quan tài nguyên và môi trường làm thủ tục tách thửa để cơ quan thuế xác định số tiền sử dụng đất tương ứng với phần chuyển nhượng. Trường hợp khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất mà người để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất chưa trả nợ tiền sử dụng đất thì người nhận thừa kế có trách nhiệm tiếp tục trả nợ theo quy định của pháp luật về thừa kế./.

(Theo Cục QLCS)

ĐƯỢC GHI NỢ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT TỐI ĐA 5 NĂM

Đó là một trong những điểm mới của Nghị định (NĐ) 120/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 198/2004 về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực từ ngày 1-3-2011.

Đó là một trong những điểm mới của Nghị định (NĐ) 120/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 198/2004 về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực từ ngày 1-3-2011.Nghị định 120 bổ sung nội dung cho phép các hộ gia đình, cá nhân chưa có khả năng tài chính có nguyện vọng ghi nợ tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cho ghi nợ với thời hạn tối đa 5 năm.

Trong thời hạn 5 năm, khi thanh toán nợ, người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm cấp GCN QSDĐ và được trả nợ dần khi có khả năng về tài chính trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Đối với trường hợp đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1-3-2011 (ngày NĐ 120 có hiệu lực) mà chưa thanh toán nợ thì nay được áp dụng quy định về thanh toán nợ tại NĐ này, tức là được cho phép ghi nợ tối đa không quá 5 năm kể từ ngày 1-3-2011. Sau 5 năm, nếu không thanh toán hết số nợ tiền sử dụng đất sẽ áp dụng giá đất tính tại thời điểm trả nợ.

NĐ này cũng đã bổ sung trường hợp được miễn tiền sử dụng đất. Cụ thể, các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất như: đất giao để xây dựng ký túc xá sinh viên; đất để xây nhà ở cho người phải di dời do thiên tai; đất xây dựng nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; đất xây dựng nhà ở để bán (trả tiền một lần hoặc trả góp), cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; diện tích đất được giao để sử dụng vào mục đích lòng hồ thủy điện…

Ngoài ra, NĐ 120 cũng đã cho phép giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo tại các địa bàn không thuộc phạm vi các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất; công nhận (cấp giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất đang sử dụng hoặc khi được chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở.

CẤP GIẤY HỒNG CHO ĐẤT NHỎ

TT – Không phải miếng đất nào quá nhỏ cũng bị từ chối cấp sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) là khẳng định của các cơ quan quản lý đất đai.Trong khi đó, đã có không ít người phải chung chi đậm cho “cò” để rồi “tiền mất tật mang”.

TT – Không phải miếng đất nào quá nhỏ cũng bị từ chối cấp sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) là khẳng định của các cơ quan quản lý đất đai.Trong khi đó, đã có không ít người phải chung chi đậm cho “cò” để rồi “tiền mất tật mang”.

Mất tiền mà không có giấy

Bà Kim Hiền (phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) mua giấy tay một miếng đất 40m2 từ năm 2006. Đầu năm 2010, bà Hiền làm thủ tục xin tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, cán bộ quận Gò Vấp cho biết thửa đất của bà Hiền nhỏ dưới chuẩn, không thể làm thủ tục tách thửa.

Muốn tách thửa, bà phải mua thêm ít nhất 10m2 đất lân cận, và mặt tiền của toàn lô đất phải rộng từ 4m trở lên. Một người làm dịch vụ hứa sẽ làm giấy hồng cho bà Hiền với giá khoảng 30 triệu đồng (chưa tính tiền sử dụng đất) mà không cần mua thêm đất.

Bà Hiền ứng trước cho người này 15 triệu đồng, hẹn khi có thông báo chuyển hồ sơ cấp giấy hồng sang cơ quan thuế đóng tiền sử dụng đất thì trả hết số tiền còn lại. Nhưng đến cuối năm 2010 thì dịch vụ đòi thêm 20 triệu đồng nữa mới làm được giấy hồng. Bà Hiền hoang mang, lấy lại hồ sơ thì bị trừ tiền đi lại hết 5 triệu đồng.

Còn ông K. (phường 21, quận Bình Thạnh) phản ảnh: năm 1982, cha mẹ ông chia cho ông phần sau căn nhà chung của gia đình chỉ rộng hơn 17m2. Năm 1999, ông K. đã kê khai nhà đất, sau đó được UBND quận cấp số nhà mới. Cha ông cũng đã làm giấy tái xác nhận việc tặng cho nhà vào năm 2004 (nay người cha đã chết).

Cuối năm 2010, ông K. tìm hiểu thủ tục làm giấy chủ quyền nhà thì một người làm dịch vụ cho ông biết nhà ông có diện tích quá nhỏ nên không cấp giấy chủ quyền độc lập được mà phải nhập thửa, “ở ké” chủ quyền với một nhà khác. Nếu muốn đứng chủ quyền nhà một mình thì phải biết cách “chạy” cho cán bộ làm giấy chủ quyền với giá trọn gói là 40 triệu đồng. Giá dịch vụ này tính ra cao gấp hai, ba lần giá của những trường hợp làm giấy chủ quyền thông thường.

Nhiều người dân ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh mua đất nhỏ bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 cũng phản ảnh không được giải quyết cấp giấy hồng riêng vì thửa đất quá nhỏ.

Trường hợp nào đất nhỏ được cấp giấy?

Ông Đặng Minh Nguyên, phó Phòng tài nguyên – môi trường quận Bình Thạnh, cho biết theo nghị định 88 về cấp giấy hồng, không có điều khoản nào quy định hạn chế về diện tích nhà đất. Tuy nhiên, nếu như nhà đất có nguồn gốc từ một thửa đất lớn, một căn nhà lớn tách nhỏ ra thì diện tích tối thiểu của mỗi căn nhà, thửa đất mới phải đủ chuẩn theo quyết định 19 ngày 25-2-2009 của UBND TP.HCM mới được giải quyết tách thửa, sau đó mới được cấp giấy hồng riêng.

Đối với địa bàn quận Bình Thạnh, diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất trống là 50m2, đất có nhà ở là 45m2 (đối với đường có lộ giới trên 20m) và 36m2 (đối với đường có lộ giới dưới 20m). Quy định này không áp dụng cho những trường hợp nhà đất có diện tích nhỏ đã tồn tại trước ngày ban hành quyết định trên. Nhà của ông K. thực tế đã tách thửa từ năm 1982, được UBND quận cấp số mới, bản đồ địa chính cũng ghi nhận nhà này là một thửa riêng biệt nên vẫn được làm giấy hồng bình thường. Ngoài ra, những trường hợp thửa đất còn lại sau khi bị Nhà nước thu hồi hoặc nhà thuộc sở hữu nhà nước bán cho dân… thì thửa đất, căn nhà nhỏ hơn diện tích chuẩn cũng được phép tách thửa, cấp giấy hồng.

Lãnh đạo văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Gò Vấp giải thích thêm: áp dụng nghị định 84 hướng dẫn Luật đất đai, những trường hợp chủ đất tự tách thửa (mua bán bằng giấy tay) trước ngày 1-7-2004 thì được công nhận là thửa đất tồn tại hiện hữu và không xem xét về diện tích khi cấp giấy hồng.

Còn trường hợp chủ đất tự tách đất lớn ra thành nhiều thửa đất nhỏ và bán bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 thì những thửa đất nhỏ trên không được xem là đã tồn tại hiện hữu. Nếu người mua đất muốn làm giấy hồng riêng thì phải làm thủ tục tách thửa và bị khống chế bởi diện tích chuẩn. Quy định này nhằm hạn chế việc tách thửa đất có diện tích quá nhỏ và hình thành những căn nhà siêu mỏng, nhà “ổ chuột”…

Muốn được tách thửa để làm giấy chủ quyền, các chủ đất phải hợp thửa với nhau hoặc mua thêm đất để có diện tích đất đủ chuẩn.

KHÁNH YÊN

(theo báo tuổi trẻ)

KHÓ KHĂN TRONG CHUYỂN NHƯỢNG CĂN HỘ

Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ. Những ngày gần đây, việc giao dịch nhà đất bỗng nhiên gặp nhiều phiền toái khi Thông tư 16 bắt đầu có hiệu lực. Không thể bán. Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thái Hà ở Phòng Công chứng số 1, TP.HCM với vẻ mặt thiểu não vì phải ôm hồ sơ về.

Khó khăn trong chuyển nhượng căn hộ. Những ngày gần đây, việc giao dịch nhà đất bỗng nhiên gặp nhiều phiền toái khi Thông tư 16 bắt đầu có hiệu lực. Không thể bán. Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thái Hà ở Phòng Công chứng số 1, TP.HCM với vẻ mặt thiểu não vì phải ôm hồ sơ về. Theo chị Hà, chị mua căn hộ đã lâu, đã nhận bàn giao căn hộ, nhưng giấy tờ chị có vẫn chỉ là hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, chưa có chủ quyền điều này đồng nghĩa với việc không thể mua bán. Chị Hà buồn bã: “Trước đây mua bán chỉ cần qua chủ đầu tư, giờ phải ra công chứng. Quảng cáo mãi mới có người mua, vậy mà…”.

Tương tự, anh Trần Ngọc Hải (ở dự án Him Lam, Nam Khánh) phàn nàn ngay khi chúng tôi hỏi về việc mua bán căn hộ. Theo anh Hải, khách hàng đã đặt cọc mua căn hộ của anh nhưng đến khi làm thủ tục thì bị ách lại vì vướng… Thông tư 16. “Căn hộ đang mua bán hợp pháp của tôi trở thành bất hợp pháp. Có nơi người ta đã ở cả gần chục năm mà chủ đầu tư vẫn chưa làm chủ quyền nên tôi chả biết khi nào mới bán được”, anh Hải rầu rĩ.

Cẩn thận kẻo bị phạt Trong những ngày tìm hiểu thủ tục mua bán tài sản hình thành trong tương lai, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân ấm ức chuyện bị phạt do chậm nộp thuế. Tại cơ quan thuế cũng không treo biển thông báo nên nhiều trường hợp do vướng các quy định mới, hồ sơ phải bổ sung tới bổ sung lui đến lúc xong rồi thì bị phạt mới ngỡ ngàng. Theo khoản 3 điều 32 Luật Quản lý thuế, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ mười kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế. Ngày phát sinh nghĩa vụ thuế hiểu nôm na là ngày chủ đầu tư xác nhận cho chuyển nhượng.

Liên lạc với nhiều đơn vị hành nghề công chứng hỏi về Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 16.10.2010, chúng tôi được biết số lượng công chứng mua bán tài sản hình thành trong tương lai không bao nhiêu. Nguyên nhân, có nơi chưa dám ký cái nào vì còn chờ hướng dẫn, có nơi lúng túng, có nơi rụt rè.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Phòng (Công chứng Gia Định) nói: “Thông tư 16 quy định trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ chỉ được công chứng, chứng thực khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Bên cạnh đó, điều 63, Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chỉ được công chứng hợp đồng ủy quyền khi nhà đã được xây dựng xong, nhưng chưa có quy định cụ thể xây dựng xong đến phần nào thì được ủy quyền công chứng. Việc ủy quyền này chỉ áp dụng đối với loại hình nhà, căn hộ, chứ không đề cập phần đất nền tại các dự án. Do vậy, hiện nay ký công chứng chủ yếu là căn hộ hình thành trong tương lai chưa nhận bàn giao nhà, còn đất nền vẫn không nhúc nhích gì được”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết để gỡ vướng, có chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng hủy giấy đã bàn giao căn hộ, ký giấy xác nhận chưa nhận bàn giao căn hộ để đủ thủ tục công chứng. Tuy nhiên, đây chỉ một cách lách luật và không dễ để hủy cái này, ký cái kia.

Gỡ chỗ này vướng chỗ kiaPhải thừa nhận rằng Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện một số nội dung cho Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23.6.2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong giao dịch bất động sản. Việc chuyển nhượng, mua bán nhà ở đi vào quy củ hơn.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng nảy sinh nhiều vướng mắc. Đại diện Văn phòng Công chứng Chợ Lớn cho biết, cũng là chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai mà dưới dạng hợp đồng góp vốn thì bó tay. “Điều 20, Thông tư 16 quy định, doanh nghiệp được phân nhà ở theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư chỉ được bán lại nhà ở đó sau khi đã ký Hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư. Vì vậy, nếu công chứng hợp đồng góp vốn là trái luật. Tuy bản chất của giao dịch là giống nhau, cũng là nhà ở hình thành trong tương lai nhưng cái thì được mua bán, cái lại vướng”, vị này nói.

Với các quy định trên, hàng loạt dự án nhà ở đang giao dịch mua bán phổ biến trên thị trường thời gian qua, nay đã bị đình lại. Quy định này khiến các sàn giao dịch bất động sản gặp nhiều khó khăn, bởi hiện có hàng trăm dự án bất động sản đang triển khai. Khó khăn nhất là các nhà đầu tư thứ cấp mua trực tiếp từ chủ đầu tư hàng chục đến hàng trăm căn hộ để kinh doanh, nhưng đến thời điểm cần thanh khoản, lại không thể bán, mà phải chờ đến lúc dự án hoàn thành.

Lê Nga

THÁO GỠ NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG MUA BÁN NHÀ

Thông tư 16 quy định cụ thể và hướng dẫn một số nội dung của nghị định 71 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở vừa được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ 15-10-2010. Nhiều vấn đề tranh cãi lâu nay về hợp đồng mua bán, góp vốn nhà ở… được đề cập.Thông tư quy định đối tượng mua thuộc diện được mua, thuê, thuê mua (trả góp) nhà ở xã hội phải có mức thu nhập bình quân hằng tháng không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên theo quy định.

Thông tư 16 quy định cụ thể và hướng dẫn một số nội dung của nghị định 71 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở vừa được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ 15-10-2010. Nhiều vấn đề tranh cãi lâu nay về hợp đồng mua bán, góp vốn nhà ở… được đề cập.Thông tư quy định đối tượng mua thuộc diện được mua, thuê, thuê mua (trả góp) nhà ở xã hội phải có mức thu nhập bình quân hằng tháng không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên theo quy định.Mua bán nhà qua hợp đồng: phải ra công chứng
Trước nay việc mua bán nhà ở trong tương lai (chưa hình thành) thường thực hiện qua hình thức huy động vốn và chủ đầu tư ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng, không phải ra công chứng. Khi chuyển nhượng lại hợp đồng, người mua trực tiếp ký với chủ đầu tư và hủy hợp đồng của chủ đầu tư đã ký với chủ cũ. Tùy theo dự án, chủ đầu tư thu 1-2% giá trị hợp đồng gọi là “phí chuyển nhượng”.
Nhưng từ ngày 8-8-2010 (ngày nghị định 71 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở có hiệu lực), khi chuyển nhượng hợp đồng các bên phải lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo mẫu quy định và có cơ quan công chứng chứng nhận.

Nếu chuyển nhượng hợp đồng từ lần thứ hai trở đi phải xuất trình văn bản chuyển nhượng nhà ở lần trước. Đây là cơ sở để cơ quan thuế tính thuế thu nhập theo quy định. Sau khi đã nộp thuế, chủ đầu tư có trách nhiệm xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng này và không thu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến việc chuyển nhượng.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai trước ngày nghị định 71 có hiệu lực thì văn bản chuyển nhượng hợp đồng của các lần phải có xác nhận của UBND phường, xã nơi có dự án nhà ở. Nếu không có xác nhận thì niêm yết công khai trong vòng 60 ngày tại trụ sở UBND phường, xã kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp giấy chủ quyền nhà đất của người dân. Nếu quá thời hạn mà không có tranh chấp, UBND phường, xã xác nhận không có tranh chấp và chuyển cơ quan chức năng để cấp giấy chủ quyền.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp diện tích chung – riêng diễn ra khá căng thẳng thời gian qua, thông tư 16 quy định hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ngoài các nội dung theo quy định còn phải ghi rõ các nội dung sau: phần diện tích thuộc sở hữu chung, riêng, diện tích sàn căn hộ mua bán (xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ), khoản kinh phí bảo trì chung cư (bằng 2% giá căn hộ), dự kiến mức chi phí phải đóng góp phục vụ công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, nguyên tắc điều chỉnh mức phí này…

Thông tư của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ từng mẫu hợp đồng áp dụng cho từng loại nhà mà các chủ đầu tư phải thực hiện.

Góp vốn chỉ được chia một căn nhà

Với các dự án nhà ở thương mại huy động vốn bằng hình thức văn bản hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh thì các bên có thể thỏa thuận chia lợi nhuận bằng tiền, cổ phiếu hoặc bằng sản phẩm là nhà ở. Nếu chia nhà ở, mỗi dự án chỉ được chia tối đa 20% số lượng nhà ở thương mại và số nhà này không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Số nhà ở còn lại phải mua bán qua sàn giao dịch bất động sản.
Từ ngày 8-8-2010 tại mỗi tỉnh thành, một hộ gia đình, cá nhân chỉ được góp vốn theo hình thức phân chia sản phẩm là nhà ở một lần, với số lượng là một nhà ở (biệt thự, nhà riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư). Các trường hợp góp vốn còn lại chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Nếu là tổ chức tham gia góp vốn để được phân chia nhà ở, sau đó chia nhà ở này lại cho các hộ gia đình, cá nhân khác thì phải gửi danh sách những người được chia nhà ở cho Sở Xây dựng xác nhận. Khi chưa ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, các trường hợp được phân chia nhà không được chuyển nhượng lại “quyền được chia nhà ở” này.
Hộ gia đình, cá nhân được phân chia một lần, một nhà ở theo quy định trên thì không được phân chia nhà ở lần thứ hai, kể cả trường hợp người được chia nhà đã tặng, cho nhà ở cho người khác.
Quy định chỉ được chia một nhà ở chỉ áp dụng với trường hợp góp vốn trong dự án vì số nhà được chia không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Trường hợp mua qua sàn thì không bị khống chế số lượng.
Theo quy định, việc bán, cho thuê nhà ở thương mại của doanh nghiệp phải thực hiện qua sàn giao dịch bất động sản, trừ trường hợp huy động vốn. Nếu không qua sàn thì hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng sẽ không có giá trị và người mua nhà ở không được cấp giấy chủ quyền cho căn nhà đó. Sàn giao dịch bất động sản phải niêm yết công khai hợp đồng văn bản ủy quyền cũng như bảng giá bán, cho thuê và các thông tin khác theo yêu cầu của khách hàng.

COI CHỪNG “BẪY” TRONG THẾ CHẤP NHÀ

09/03/2013 – 04:05

Thế chấp nhà giúp bạn vay tiền ngân hàng. Do hợp đồng thế chấp không ghi thời hạn nên ngân hàng tiếp tục ký hợp đồng cho vay mới mà không cần hỏi ý kiến của chủ nhà.

Ngày 16-6-2010, ông Nguyễn Văn Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) làm hợp đồng thế chấp căn nhà của ông để bảo đảm cho công ty của người bạn vay 1,1 tỉ đồng tại một ngân hàng có phòng giao dịch ở đường Lý Thường Kiệt. Thời hạn người bạn vay tiền là một năm.

Đến cuối thời hạn vay, ông Hiền đã đến ngân hàng thông báo chấm dứt việc bảo lãnh để lấy lại giấy tờ nhà. Lúc đó ngân hàng hẹn “sẽ giao giấy sau khi hoàn thành các thủ tục công chứng đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản khác thay thế”. Gần tháng sau ông quay trở lại thì mới biết “tin dữ”: Tháng 7-2011, sau khi tất toán hợp đồng vay cũ, ngân hàng đã tiếp tục ký hợp đồng khác cho người bạn vay 1,1 tỉ đồng trong thời hạn một năm. Điều đáng nói là ngân hàng tiếp tục lấy tài sản của ông để bảo đảm cho khoản vay này. Không đồng ý, ông đã khiếu nại.

Người dân đang làm thủ tục vay tiền tại một ngân hàng. Ảnh: TH.HIẾU

Trong văn bản trả lời ông, ngân hàng cho biết: Điều 2 hợp đồng thế chấp cũ có chữ ký của ông Hiền đã nêu rõ: “Nghĩa vụ được bảo đảm của tài sản thế chấp là toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ cho bên vay/bên được cấp tín dụng… và bao gồm cả nghĩa vụ phát sinh trước hoặc sau thời điểm ký hợp đồng này”. Điều 12 của hợp đồng cũng lưu ý: “Hợp đồng này được sử dụng cho nhiều lần vay, cấp thẻ tín dụng, mở L/C hoặc các hình thức cấp tín dụng khác… và bên thế chấp chấp nhận nội dung tất cả điều khoản trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng sửa đổi bổ sung, phụ lục hợp đồng, các cam kết của bên vay… kể cả trong trường hợp bên thế chấp không ký tên trên các hợp đồng cam kết này”. Theo đó, ngân hàng đã tiếp tục căn cứ vào hợp đồng thế chấp cũ để cho khách hàng vay lần nữa mà không cần ông Hiền phải ký tên xác nhận.

“Tại sao tôi đã đến báo không muốn bảo lãnh nữa mà ngân hàng lại không chịu nghe? Tại sao trong hợp đồng vay có ghi “bên bảo đảm giữ một bản” và chừa chỗ để bên bảo đảm ký tên mà ngân hàng lại không gửi hợp đồng vay tiền lần hai cho tôi và cũng không để tôi ký tên?” – ông Hiền bất bình.

Trao đổi với PV, giám đốc phòng giao dịch trên giải thích: “Ngân hàng có ghi nhận việc ông Hiền đến báo lấy lại giấy tờ nhà và không tiếp tục bảo lãnh. Thế nhưng khi nào tiếp nhận tài sản khác thay thế thì ngân hàng mới có thể làm thủ tục trả giấy tờ nhà cho ông Hiền. Hợp đồng cho vay năm 2011 không cần chữ ký của người bảo lãnh vì đây là hợp đồng giữa bên cho vay với bên vay. Hiện ngân hàng đang khởi kiện công ty vay tiền để thu hồi nợ”.

Các ngân hàng khác làm sao?

Đối với việc thế chấp tài sản của người thứ ba để bảo đảm khoản vay (còn gọi là hợp đồng bảo lãnh), PV được biết nhiều ngân hàng khác làm rất chặt chẽ. Sau khi hết hạn hợp đồng cho vay mà người vay muốn vay tiếp, các ngân hàng đều yêu cầu người bảo lãnh ký lại hợp đồng bảo lãnh, đồng thời ký tên vào hợp đồng vay mới. Người bảo lãnh cũng được giao giữ một bản hợp đồng vay mới.

THÁI HIẾU

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

CHIA ĐÔI THIỆT HẠI VÌ CẢ HAI BÊN ĐỀU CÓ LỖI

20/05/2013 – 05:50

TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm, tuyên chấp nhận kháng cáo của phía ông D., sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành trong một vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo đơn khởi kiện của bà S., trước đây phía ông D. làm chủ nhiều dây hụi nhưng bị bể hụi. Để có tiền trả cho các hụi viên, năm 2008, phía ông D. có bán cho bà sáu công đất (thực tế đo đạc là hơn 5.242 m2) với giá 50 triệu đồng/công. Bà đặt cọc 50 triệu đồng để cho phía ông D. chuộc giấy đỏ đã đem cầm trước đó. Vài ngày sau, bà giao tiếp 200 triệu đồng. Còn lại 50 triệu đồng, hai bên thỏa thuận đợi đến khi huyện tiến hành đo đạc, đồng thời hai bên ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất xong thì bà mới giao tiếp.

Sau đó, phía ông D. đã giao đất cho bà để bà canh tác, cải tạo. Tuy nhiên, từ đó đến nay phía ông D. viện lý do là đất đang bị tranh chấp nên không chịu làm thủ tục chuyển nhượng. Vì vậy bà khởi kiện yêu cầu TAND huyện Châu Thành buộc phía ông D. phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng và sang tên phần đất nói trên cho bà.

Tháng 2-2013, TAND huyện Châu Thành đã xử sơ thẩm, tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên vô hiệu. Tòa buộc bà S. phải trả lại cho phía ông D. toàn bộ phần đất trên theo đo đạc thực tế; buộc phía ông D. phải liên đới trả cho bà S. 550 triệu đồng (gồm tiền vốn, tiền đầu tư trên đất, tiền chênh lệch về giá…).

Phía ông D. kháng cáo, cho rằng bà S. đã hưởng huê lợi trên đất từ đó đến nay nên chỉ đồng ý trả tiền vốn, tiền chênh lệch giá đất, tổng cộng 400 triệu đồng.

Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định hai bên tự nguyện tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy về nội dung, hai bên không vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, về hình thức của hợp đồng thì các bên đã vi phạm. Trong trường hợp này, thủ tục chưa đến đâu mà bà S. đã giao gần đủ số tiền sang nhượng và nhận đất về canh tác, cải tạo là không đúng quy định. Mặt khác, trước khi hai bên giao kết, bà S. đã đặt cọc cho phía ông D. 50 triệu đồng để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng. Liền sau đó, một bên tự ý nhận đất, một bên tự ý nhận tiền mà không thông qua hợp đồng chính thức là không tuân thủ về mặt hình thức giao kết của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cả bên mua và bên bán đều có lỗi. Lẽ ra khi tiến hành giao kết, các bên phải tuân thủ tất cả quy định của Luật Đất đai và pháp luật dân sự. Trong đó, bên mua, bên bán đều phải có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển nhượng theo mẫu, ký trước công chứng và chuyển hồ sơ đến cơ quan tài nguyên và môi trường để làm thủ tục đo đạc, tách sổ thì hợp đồng mới xem là hoàn thành.

Theo tòa phúc thẩm, khi hợp đồng vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Về mặt thiệt hại, vì lỗi thuộc về cả bên mua và bên bán nên mỗi bên phải chịu 50%. Mặt khác, khi nhận đất, bà S. đã chăm sóc và hưởng toàn bộ thành quả trên đất sẵn có của phía ông D. từ đó cho đến nay nên bà cũng không bị thiệt về quyền lợi. Vì vậy, tòa tuyên buộc bà S. phải trả cho phía ông D. hơn 5.242 m2 đất. Phía ông D. phải trả lại cho bà S. 250 triệu đồng đã nhận cộng với 50% giá trị đất chênh lệch là 150 triệu đồng, tổng cộng là 400 triệu đồng.

VĂN TÂM

(Nguồn: báo pháp luật)

THÊM CƠ CHẾ BẢO VỆ NGƯỜI MUA NHÀ “TRÊN GIẤY”

24/05/2013 – 05:45

Có thể sẽ hình thành quỹ bảo hiểm mua bán nhà ở để hạn chế rủi ro mua nhà “trên giấy”.

Đề xuất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như người Việt trong nước.

Sáng 23-5, tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận xét: Nhiều quy định trong luật hiện hành chưa rõ, cứng nhắc nên không khả thi (quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, quy định không được phép bán lại nhà ở xã hội …); một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng hiện còn thiếu quy định điều chỉnh (về phát triển nhà ở tái định cư, về huy động vốn dự án nhà ở, phát triển nhà chung cư, giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai…).

Để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, giải quyết vướng mắc để phát triển thị trường BĐS và đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch, ông Nguyễn Mạnh Hà (Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS – Bộ Xây dựng) cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất một số nội dung cần sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Tới đây, các bên tham gia giao dịch bất động sản sẽ có cơ chế bảo vệ quyền lợi nhiều hơn theo quy định. Ảnh: HTD

Theo đó, dự kiến sửa đổi Luật Nhà ở sẽ bổ sung thêm một số quy định về hình thức giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai (chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, góp vốn, thế chấp nhà trong các dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…); hình thức huy động tài chính cho phát triển nhà ở; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như người Việt trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng điều kiện sở hữu nhà ở, loại nhà sở hữu, mở rộng quyền mua nhà (không chỉ được mua các căn hộ như hiện nay mà được mua cả nhà biệt thự và nhà ở riêng lẻ…).

Đồng thời, Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ bổ sung thêm quy định về cơ chế bảo vệ quyền lợi các bên tham gia giao dịch BĐS hình thành trong tương lai; về xác định quyền sở hữu trong các dự án BĐS có mục đích hỗn hợp và đa sở hữu… Hiện các dự án có mục đích sử dụng hỗn hợp (nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại) của nhiều thành phần chủ sở hữu khác nhau đang lấn cấn. Cần xác định quyền sở hữu đối với từng loại mục đích sử dụng, quyền sở hữu đối với phần sử dụng chung, làm cơ sở để các chủ sở hữu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS lần này sẽ bổ sung cơ chế để bảo vệ việc người dân mua nhà hình thành trong tương lai, bà con gọi là nhà “trên giấy”. Có thể sẽ bổ sung quy định về quỹ bảo hiểm hợp đồng mua bán nhà (theo mô hình như Hàn Quốc). DN dự án BĐS phải trích nộp bảo hiểm huy động vốn khi người dân góp vốn mua nhà trong dự án sắp xây. Trong trường hợp DN đó phá sản hoặc tránh né trách nhiệm, tự ý dùng tiền huy động đi đầu tư dự án khác thì bảo hiểm sẽ bồi thường cho người dân đã mua nhà hình thành trong tương lai.

Hiện nay ở nhiều dự án chung cư, người dân đã nhận bàn giao nhà cả chục năm nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCN). Khi chưa có GCN thì người dân không thể giao dịch, mua bán gì đối với căn nhà đó. Bởi lẽ Thông tư 16/2010/TT-BXD quy định: Nếu đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua – bán nhà ở theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở (bên bán phải có GCN). Nếu chưa nhận bàn giao nhà thì được phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư sẽ xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng này.

Như vậy, cùng một căn nhà khi chưa thành hình (chưa bàn giao nhà) thì người dân được chuyển nhượng, còn khi đã thành hình thì mọi giao dịch lại bị treo.

Phóng viên: Thưa ông, tại sao cùng mua nhà “dự án” chưa được GCN, nếu nhận nhà rồi lại bị vướng thủ tục chuyển nhượng (khó hơn) so với nhà còn “trên giấy”? Có thể gỡ vướng cho người dân không?

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà: Chưa có nhà thì họ chỉ chuyển nhượng hợp đồng và sau này khi có nhà rồi thì vẫn phải làm thủ tục cấp GCN. Đã có quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư phải làm GCN cho người mua nhà trong thời gian tối đa là 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua. Nếu người mua đã nhận nhà, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải hoàn tất giấy tờ để đảm bảo quyền sở hữu cho người mua. Luật đã quy định thủ tục mua – bán nhà thì phải tuân thủ (phải có GCN), không thể du di. Nếu không có GCN mà vẫn được mua bán hợp pháp thì nhiều người sẽ chẳng đi làm GCN, cứ giao dịch lằng nhằng như thế mãi, sẽ tái diễn tình trạng nhà không giấy tờ nhiều hơn, khó quản lý nổi.

. Nhưng trên thực tế có chủ đầu tư tránh né không làm thủ tục cấp GCN cho người mua, thưa ông?

+ Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, không làm tròn thì đã có quy định xử phạt rõ ràng. Thậm chí họ sẽ bị chế tài sau này không cho phép làm chủ đầu tư các dự án mới. Quy định đã có rồi, vấn đề là thực thi thế nào, có nghiêm không? Không có chế tài thì không quản lý được.

BÌNH MINH

Nguồn: Báo pháp luật

GÓI HỖ TRỢ 30.000 TỈ ĐỒNG: ĐƯỢC DÙNG CHÍNH CĂN HỘ MUA ĐỂ THẾ CHẤP

24/05/2013 16:35

(TNO) Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu cứ trông vào lương, người dân khó có thể mua nhà. Đó cũng là lý do Nhà nước tung ra gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

– Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần NamẢnh: L.Q

* Gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sắp được triển khai, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về quy định phải có tài sản bảo đảm khi vay, ông nghĩ như thế nào?

– Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Các quy định của ngân hàng khi cho vay vẫn cần phải được đảm bảo, dù đó là vay thường hay vay theo gói hỗ trợ. Vì thế, để vay tiền trong gói 30.000 tỉ, ngoài đáp ứng các điều kiện, cũng cần đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm để có thể đảm bảo việc thu hồi vốn của các ngân hàng.Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỉ cũng đã nói rõ, tùy thân nhân và tín nhiệm, nghề nghiệp của người vay mà ngân hàng quyết định cần hay không cần tài sản thế chấp. Hơn nữa, đã có quy định dùng chính căn nhà đã mua làm tài sản bảo đảm, nên sẽ “dễ” hơn.

* Tối đa 21.000 tỉ trong số 30.000 tỉ sẽ đến tay người có nhu cầu mua nhà, nhưng không ít ý kiến vẫn băn khoăn, thu nhập dưới 9 triệu đồng thì không thể mua được vì mức trả gốc và lãi đã lên tới 4 triệu đồng, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

– Nhà nước nghĩ người dân chỉ trông vào lương thì không mua được nhà, nên mới đưa ra gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân vay vốn. Hiện nay, theo quy định, người có thu nhập dưới 9 triệu đồng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là người thu nhập thấp. Một người thu nhập 9 triệu đồng thì không thể mua được nhà, nhưng nếu gia đình có 2 người đi làm, tổng thu nhập mỗi tháng 15-18 triệu đồng hoàn toàn có thể mua nhà. Đã có tính toán rằng, với mức thu nhập này, người ta dành ra 30%, tương đương 6 triệu để trả lãi, gốc hàng tháng sẽ mua được nhà.

* Thời hạn vay 10 năm có thể hiểu như thế nào cho linh hoạt, thưa Thứ trưởng?

– 10 năm không có nghĩa là bắt buộc người dân phải vay trong 10 năm. Có những người có khả năng chi trả, tình hình tài chính tốt thì chỉ cần 5 năm đã trả xong cả gốc và lãi. Nhưng những người khó khăn hơn thì 10 năm mới phải trả hết, như vậy là linh hoạt. Nếu khả năng trả nợ ngắn hơn 10 năm, có năng lực, ngân hàng sẽ cho vay ngắn hạn.

* Có người cho rằng, đã cho vay ưu đãi thì ngân hàng không nên hưởng khoản chênh lệch lãi suất 1,5% trong gói hỗ trợ 30.000 tỉ. Ông nghĩ sao?

– Mức 1,5% tôi cho là hợp lý. Vì hiện nay, lãi suất huy động khoảng 7%/năm, nhưng cho vay ra 13%, chênh lệch đã là 6%. Thông thường, mức chênh ổn định phải là 3% cho các hoạt động như nuôi bộ máy, trả lương nhân viên, in ấn, theo dõi, quản lý thu hồi nợ… Cho người dân vay với khối lượng lớn, chi phí quản lý cũng sẽ lớn hơn, họ phải thẩm định và theo dõi. Chi phí 1,5% thực tế là thấp so với chênh lệch thương mại, ngân hàng hoạt động cả bộ máy, nên không thể làm không công.

Nếu ai có khả năng trả nợ trước 10 năm, ngân hàng sẽ cho vay ngắn hạn hơn – Ảnh: L.Q

* Ngoài lãi suất, tài sản bảo đảm và hồ sơ điều kiện, người dân có nhu cầu vay vốn còn lo ngại vấn đề giá chênh khi mua nhà thu nhập thấp, quan điểm của Thứ trưởng?

– Chuyện giá chênh 50-100 triệu đồng/căn khi người dân mua nhà ở thương mại giá 11 triệu đồng/m2 là do quá nhiều người thích “lao” vào. Còn thực chất, nhà 11 triệu đồng hiện nay không thiếu. Còn riêng với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tôi cho rằng không có chuyện mua bán sang tay qua người nọ, người kia. Với nhà thương mại diện tích dưới 70 m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2 cũng vậy, mua bán phải có hợp đồng, nếu mua lại bắt buộc phải chuyển nhượng hợp đồng. Nhà đang thừa, nên tôi nghĩ không có hiện tượng mua quá chênh lệch.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Lê Quân
(thực hiện)

Nguồn: Thanh niên online

MỘT NGƯỜI ĐƯỢC MUA NHIỀU NHÀ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC CÙNG MỘT CƠ CHẾ GIÁ

Thứ năm, 06/06/2013, 06:21 (GMT+7)

(SGGP).- Đó là một trong những nội dung mới được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng nhấn mạnh tại buổi triển khai Nghị định 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) có hiệu lực từ hôm nay 6-6-2013 với các quận-huyện và các công ty đang quản lý, lập thủ tục bán nhà SHNN trên địa bàn TP vào ngày 5-6.

Giá bán nhà thuộc SHNN theo NĐ 34/CP bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất. Trong đó, tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất do UBND TP ban hành hàng năm tại thời điểm ký hợp đồng và căn cứ vào vị trí khu đất. NĐ 34/CP cũng mở rộng thêm một số đối tượng được thuê nhà ở xã hội (NƠXH) thuộc SHNN, cụ thể: chưa sở hữu nhà ở, chưa được thuê, thuê mua NƠXH, chưa được cơ quan nhà nước hỗ trợ về nhà, đất dưới mọi hình thức hoặc sở hữu nhà ở nhưng có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5m² sàn/người hoặc hư hỏng dột nát.

Thêm một đối tượng được thuê NƠXH thuộc SHNN nữa là người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê.

Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, hiện trong năm 2013 TP phấn đấu sẽ hoàn thành 3.000 căn hộ NƠXH để giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp trên địa bàn TP. Ngoài việc xem xét, điều chuyển một số dự án nhà ở thương mại sang NƠXH và cơ cấu diện tích căn hộ, Sở Xây dựng kiến nghị UBND cân đối, điều chuyển một phần quỹ nhà tái định cư sang NƠXH. UBND TP đã căn bản đồng ý đề xuất của Sở Xây dựng.

Cụ thể, trong tháng 6, Sở Xây dựng sẽ công bố các dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ; các dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH; các dự án có diện tích nhỏ; nhà ở thương mại diện tích dưới 70m²/căn và giá bán dưới 15 triệu đồng/m²; giới thiệu 3.000 căn hộ NƠXH sẽ được hoàn thành trong năm 2013 và các thủ tục, hồ sơ, đối tượng, điều kiện được mua, thuê mua NƠXH để người dân biết.

* Cùng ngày, Hà Nội đã khởi công xây dựng 2.500 căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá giai đoạn 2. Đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội với tổng diện tích 6,2ha, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư Tổng Công ty Viglacera, dự án sẽ có 3 loại căn hộ, trong đó 60% căn hộ có diện tích 33m², 20% căn hộ 44m² và 20% căn hộ 55m². Với việc thiết kế tối ưu, vật liệu đồng bộ được cung cấp trực tiếp từ các nhà máy đến công trình, ứng dụng công nghệ mới để rút ngắn thời gian thi công và giảm giá thành, dự kiến giá căn hộ thuộc dự án này sẽ dưới 9 triệu đồng/m². Theo kế hoạch, những căn hộ đầu tiên của dự án sẽ được bàn giao cho người mua trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 và hoàn thành toàn bộ dự án vào quý 2-2015, giải quyết chỗ ở cho 6.400 cư dân.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Gia Định vừa ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng trị giá 1.800 tỷ đồng với Công ty CP Đức Khải để hỗ trợ công ty này tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư Phú Mỹ (The Era Town). Đây là dự án tái định cư điểm được UBND TP giao Công ty Đức Khải làm chủ đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Dự án có diện tích gần 110.000m² tọa lạc tại quận 7, TPHCM với tổng vốn đầu tư 5.535 tỷ đồng.

HẠNH NHUNG – BÍCH QUYÊN

(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)