KHÔNG LY HÔN CÓ ĐƯỢC CHIA TÀI SẢN CHUNG?

Tại Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung… Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”

 

Tại Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung… Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”.

Theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3-10-2001 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đìnhthì thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được lập thành văn bản và ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng, đồng thời ghi rõ các nội dung sau: lý do chia tài sản; phần tài sản chia (bất động sản, động sản, các quyền tài sản, trong đó cần mô tả những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia; phần tài sản còn lại không chia, nếu có); thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung; các nội dung khác, nếu có. Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng có thể có người làm chứng hoặc được công chứng.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì vợ chồng bạn không phải tiến hành thủ tục ly hôn mà vẫn chia được tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Để tiến hành thủ tục nêu trên bạn liên hệ trực tiếp đến Phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội để tiến hành thủ tục công chứng biên bản thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Khi tới phòng công chứng bạn và chồng bạn mang theo nhưng tài liệu sau: CMND; hộ khẩu của vợ chồng; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; 02 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.

BỐN NGUYÊN TẮC CẦN LƯU Ý TRONG CUỘC SỐNG HÔN NHÂN

“Bạn và chồng (vợ) bạn thuộc “tip” người như thế nào? Cuộc sống hôn nhân có nguy cơ rạn nứt hay không? Dưới đây là vài nguyên tắc có thể giúp bạn ít nhiều có cơ hội nối lại nhịp cầu đối thoại tri âm ấy…”. Đó là thông điệp mà Diane chuyên viên tư vấn tình cảm của tạp chí Reader’s Digest muốn gửi đến các bạn:

1. Tránh đặt người bạn đời vào thế chỉ trích, hoặc tỏ ra bực mình, hằn học

Thường vợ chồng có thể lâm vào tình trạng bực dọc, càu nhàu chỉ trích lẫn nhau vô cớ, hãy tránh bắt đầu với câu : “Lại nữa…” hãy tỏ ra nhẹ nhàng và khôn ngoan, ngay cả khi bạn phát hiện điều gì đó không mấy bình thường với đối tượng, hạn chế cãi vã. Tốt nhất, cố gắng dẹp bỏ những “sinh sự” có thể xảy ra giữa vợ và chồng và cả gia đình.

2. Thường xuyên nói chuyện, quan tâm lẫn nhau

Có những cặp vợ chồng sau khi kết hôn, lấy nhau thường suy nghĩ : Anh ấy (cô ấy) đã là “của mình” nên không cần thiết phải bày tỏ những tình cảm bồng bột như xưa. Hoặc giả, những cặp vợ chồng quá tích cực với công việc làm ăn mà quên đi những thời gian cần thiết cho nhau. Và điều ấy thực sự là chuyện sai lầm với sự bền vững, hạnh phúc của bạn. Do vậy, để hạn chế những phôi phai dần dà trong cuộc sống hôn nhân, hãy luôn chú ý những gì đã và đang xảy ra chung quanh vợ hay chồng bạn. Tập lái những cuộc “hẹn hò tâm tình” cũng là yếu tố rất cần.

3. Không lẩn tránh những vấn đề tế nhị

Đây cũng là những nguyên nhân đưa đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình, nếu bạn kém quan tâm tới nó. Nói một ví dụ để bạn dễ hình dung : Do yêu cầu công việc xã hội, phần lớn chúng ta thường ra đường, đến cơ quan… với vẻ ngoài vô cùng lịch thiệp, song, bạn lại về nhà với gương mặt cau có, cáu kỉnh, thậm chí luôn mồm quát tháo con cái, chồng (vợ) mình. Đặt mình vào tình thế bị xử sự thiếu tế nhị này, bạn sẽ nghĩ sao?

4. Chú ý thực lòng khen tặng những ưu điểm nổi trội của người bạn đời

Có bạn sẽ nói ngay rằng cuộc sống vợ chồng mà làm như vậy có vẻ khách sáo, giả tạo. Nhưng bạn hãy bình tâm xét lại một góc cạnh nhỏ của vấn đề này. Bình thường, con người (dù là ai) vẫn ưa lời nói ngọt, thích lời khen tặng, thậm chí… phỉnh nịnh. Hơn thế nữa, đối tượng để bạn “ngỏ lời” ở đây lại là vợ hay chồng mình thì liệu nói lên vài lời khen tặng ngọt ngào sẽ mất mát uy tín, danh dự hay sao? Có thể cô ấy chưa thật xuất sắc trong việc chăm sóc con cái nhưng chắc chắn rằng cô ấy sẽ rất vui khi thấy bạn trở về nhà, quan sát sự việc và buột miệng khen với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Lê Hương  (Báo Phụ Nữ VN)

“QUI TẮC VÀNG” TRONG HÔN NHÂN”

Các nhà xã hội học cho biết, những cuộc cãi cọ lặt vặt gặm nhấm cuộc sống có đến 3/4 các gia đình ở thành phố, nó là kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình. Khi vợ chồng gặp bất hoà có thể chỉ do một yêu cầu nào đấy không được đáp ứng hoặc không khắc phục được một thói quen làm cho nhau khó chịu, nó có thể bắt đầu từ một cái rất nhỏ cũng làm rạn nứt tình cảm vợ chồng. Khi đó, người ta thường phản ứng theo một trong ba cách sau:

1. Hy sinh những điều mình thích và làm theo điều mà người kia muốn.
2. Không cần biết người kia nghĩ gì, cứ làm theo cách mình thích.
3. Lờ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Trong thực tế, cả ba cách đó đều không xua tan được bầu không khí bất hoà, có khi còn đẩy mâu thuẫn đến chỗ gay gắt hơn. Nhà tâm lý học người Mỹ,  Wylliam John cho rằng trong hôn nhân, làm lành là một nghệ thuật mà nếu không biết, bạn có thể phải chia tay cả với người bạn đời có thể sống hạnh phúc với mình. Trong bài này chúng tôi giới thiệu những “quy tắc vàng” trong nghệ thuật làm lành của Wylliam.

Quy tắc thứ nhất:  Thương lượng vui vẻ và an toàn.

Đa số mọi người thường coi việc phải làm lành với vợ hay chồng nặng nề như đi vào phòng tra tấn. Bởi vì những cố gắng của họ thường không đi đến đâu, sau khi trở ra với những tổn thương về tình cảm. Vì thế chẳng ai muốn đàm phán làm gì khi nhìn thấy trước chỉ toàn những đau đớn và thất vọng. Cho nên trước khi bắt đầu đàm phán, bạn phải nắm chắc quy tắc cơ bản là cả hai cùng vui vẻ. Hãy cất ngay vẻ mặt khó đăm đăm của bạn đi và hãy nở nụ cười. Sao cho bạn cảm thấy như bạn sắp được làm cái mà bạn thích, nó có cảm giác thú vị giống như khi ta làm một chuyện đầy hào hứng trong hôn nhân. Bạn phải tin chắc mình sẽ vui vẻ và an toàn khi đàm phán. Muốn thế cần tuân thủ 3 điều cơ bản dưới đây :

Thứ nhất: Duy trì sự hào hứng trong suốt quá trình đàm phán, bạn hãy thẳng thắn thoải mái nêu vấn đề trong tâm trạng vui vẻ. Tất nhiên cuộc đàm phán có thể mở ra triển vọng làm lành nhưng cũng có thể đi đến bế tắc, do đó phải lường trước những phản ứng cảm xúc ngược lại. Người bạn đời có thể bắt đầu cảm thấy lo lắng, cảnh giác về cái gì đó mà bạn sắp nói ra. Nếu thấy tình hình không sáng sủa, bầu không khí không sẵn sàng, bạn nên dừng lại. Wylliam thường huấn luyện cho khách hàng cách chuẩn bị tiếp nhận những ý kiến trái ngược với mình. Bất kể tình huống nào cũng vui vẻ, ngay cả trong tình huống mà đối phương nói hay làm cái gì đó xúc phạm đến bạn.

Thứ hai: Đặt yêu cầu an toàn lên trên hết bởi vì mục đích của làm lành là để cứu vãn hôn nhân, bởi thế không được thô lỗ hay giận dữ trong khi điều đình dù đối phương tỏ ra thiếu lịch sự hay nóng nảy với bạn. Nếu bạn buột miệng xúc phạm đối phương một câu là bạn đã rơi vào một trong những “pha” nguy hiểm của sự điều đình. Khi thấy mình bị xúc phạm và bạn muốn trả đũa là bản năng tự vệ trong bạn bắt đầu thức dậy, và trừ phi bạn có một một nỗ lực phi thường để chống lại nó, còn thì bạn sẽ chuyển cuộc thương lượng thành một cuộc đấu khẩu không đi đến đâu. Lúc này bạn nên nhớ khẩu hiệu : an toàn là trên hết và không có cách nào thông minh hơn là tuân thủ điều thứ ba sau đây.

Thứ ba: Nếu bạn thấy cuộc thương lượng như đi vào đường hầm không lối thoát, nếu một trong hai người chỉ đòi hỏi thô lỗ, hoặc đùng đùng giận dữ, thì cách hay nhất là rút lui. Bởi vì bạn không thể giải quyết vấn đề tại một thời điểm bất lợi như thế không có nghĩa rằng bạn sẽ không tìm thấy một cơ hội khác trong tương lai. Hãy chịu đựng “chiến tranh lạnh” thêm một thời gian, và bạn sẽ ngạc nhiên về cơ hội làm lành khác mà bạn có thể nghĩ ra. “Rút lui” không chỉ có nghĩa là đi chỗ khác mà là chuyển đề tài tới cái gì đó thú vị hơn và đợi thời cơ khác. Bạn phải từ bỏ cách cư xử cứng nhắc, như kiểu đã định hôm nay nói là phải nói hết, muốn ra sao thì ra. Đó là cách phá huỷ hôn nhân chứ không phải cứu vãn nó.

Quy tắc thứ hai: Tìm ra cái mà đối phương quan tâm.

Sau khi bạn đã dựa vào quy tắc cơ bản là bảo đảm an toàn và thảo luận thú vị, bạn hãy sẵn sàng để điều đình. Nhưng phải bắt đầu từ đâu ? Trước hết bạn phải đi từ vấn đề mà đối phương quan tâm. Không ít đôi hoàn toàn không hiểu nguyên nhân chính của sự xung đột và cũng không biết đối phương quan tâm tới cái gì. Có khi chính họ cũng không biết thật ra mình muốn gì ? Wylliam thường giúp đỡ các đôi làm sáng tỏ những vấn đề riêng tư của mỗi người khiến họ sửng sốt khi mọi cái hoá ra rất đơn giản. “Tưởng gì, hoá ra có thế mà cứ cãi nhau mãi”. Có người thốt lên như vậy. Và chỉ khi họ hiểu những vấn đề của nhau, hiểu quan điểm của người kia, họ mới nhận ra mâu thuẫn không nghiêm trọng như họ tưởng. Họ tìm ngay ra giải pháp và xung đột được giải quyết.
Sự hiểu nhau là chìa khóa đi tới thành công của sự điều đình, khi đó chẳng cần phải cố gắng lắm cũng thoả mãn nhau. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi ta điều đình với ai mà biết rõ họ muốn gì. Còn không, ta sẽ gạt phăng yêu cầu của họ khiến họ cảm thấy bị coi thường và thế là bùng nổ giận dữ. Nếu bạn muốn tìm kiếm những giải pháp thiết thực cho vấn đề của bạn, thì bạn sẽ tìm thấy chúng khi bạn sẵn sàng nhượng bộ trước những yêu cầu của đối phương để đi đến một thỏa thuận chung.

Có người bước vào đàm phán với một lô đòi hỏi của mình, với mục đích giành phần thắng bằng mọi giá, họ rất mù mờ về yêu cầu của người kia. Một anh chồng đem ở đâu về một con mèo nhưng vợ anh ta không thích mèo vì chị dị ứng với lông của nó nên chị yêu cầu chồng đem cho ai hay vứt con mèo đi. Nhưng anh chồng lại cho rằng mèo là loài động vật đáng yêu nhất và anh không thể vứt nó. Một hôm anh ta đi làm về không thấy con mèo đâu, hỏi ra mới biết vợ đã đem cho một người quen. Anh chồng nổi giận, bắt vợ đi đòi về, thế là hai vợ chồng cãi nhau to, giận nhau hàng tháng trời. Wylliam đề nghị mỗi người nhớ lại và viết ra giấy nội dung cuộc cãi nhau. Vừa nhìn vào hai văn bản này, ông đã phát hiện vấn đề thực sự không phải con mèo mà là từ ngày vợ làm được nhiều tiền đã tỏ ra coi thường chồng. Chị tự quyết mọi việc trong nhà không cần hỏi ý kiến chồng hoặc có hỏi nhưng làm ngược lại. Thì ra vấn đề là anh chồng có mặc cảm mình bị vợ coi thường, anh ta muốn khẳng định mình vẫn là chủ gia đình. Cuối cùng họ đã nhượng bộ nhau và vấn đề được giải quyết thế mà trước đó cả hai cùng khăng khăng hoặc là con mèo, hoặc là ly hôn, còn bà mẹ vợ thì quyết định đi mua con mèo khác về đền cho anh con rể và bảo anh ta đem về phòng riêng mà nuôi.

Cách thứ ba : Tháo gỡ mâu thuẫn một cách sáng tạo.

Bạn đã tìm ra mối quan tâm của người kia, bây giờ bạn hãy sẵn sàng cho phần sáng tạo là tìm ra giải pháp mà bạn nghĩ sẽ làm cho cả hai hạnh phúc. Giải pháp này có thể không liên quan gì đến vấn đề mà các bạn đang mâu thuẫn. Chẳng hạn có một bộ phim hay đang chiếu ngoài rạp mà cả hai đều muốn xem. Bạn có thể nghĩ ra cách mua vé để vợ chồng cùng đi xem. Trên đường về, trong khi dư âm của bộ phim còn khiến tâm trạng cả hai hứng khởi, bạn có thể kêu khát nước và ngỏ ý muốn bạn đời cùng vào một quán giải khát nào đó. Biết đâu chính ở đó, cuộc hoà giải được kết thúc một cách hoàn hảo. Thử nhớ lại quá trình yêu nhau trước khi cưới, chắc hẳn các bạn cũng có những phen lục đục nhưng hồi ấy sao bạn lắm sáng kiến thế, còn bây giờ bạn chỉ nghĩ đến một cuộc nói chuyện tay đôi thẳng thắn như ngồi họp hoặc như công an lấy khẩu cung ? Nếu bạn toàn tâm toàn ý với việc làm lành, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra những tùy chọn làm vui lòng cả hai. Hãy lấy một mảnh giấy ghi lại những ý tưởng khi bất chợt bạn nghĩ ra có thể làm đối phương vui lòng. Bạn hãy sẵn sàng nhượng bộ với ý nghĩ :”Ta sẽ để cho họ làm cái mà họ muốn vào lúc này, nhất định họ sẽ để cho ta làm cái mà ta muốn lần sau”.
Cách thứ tư: Khoanh vùng phạm vi mâu thuẫn.

Các chuyên gia về gia đình nhận thấy nhiều khi vợ chồng thường mắc bệnh lan man khi tranh cãi với nhau về một vấn đề. Không ít trường hợp sau khi cãi nhau kịch liệt người ta không nhớ nổi nó đã bắt đầu từ cái gì. Một anh đi làm về đang ngồi hí hoáy tháo cái quạt ra, chữa lại bộ phận “tuốc-năng” bị hỏng thì giật mình nghe vợ hỏi :”Anh để hành ở chỗ nào ?”, là vì trước khi về, anh ta đã nhận được cú điện thoại của vợ dặn đi qua chợ mua hộ một ít hành nhưng anh ta quên mất. Anh bảo vợ :”Không cần hành cũng được” nhưng người vợ muốn chồng chạy ù ra chợ mua hành vì món ăn đó không thể thiếu hành được, còn cái quạt ngày mai sẽ đưa ra hiệu cho thợ sửa, anh sửa lấy chỉ có “lợn lành chữa lợn què”. Anh chồng điên tiết vất quạt xuống sàn, kèm theo một tiếng gì đó khá tục tĩu. Chị vợ lầm bầm :”Người có văn hoá mà ăn nói như vậy”. Anh chồng quắc mắt :”Đại học mà vô văn hoá thì trung cấp như cô xếp loại gì ?”. Vợ đáp lại :”Đại học cũng năm bảy đường, có người chạy chọt có cái bằng chứ trong óc chỉ toàn bã đậu”. Kết thúc cuộc chiến là một lá đơn ly hôn đủ cả hai chữ ký. Cho nên khi làm lành không nên nhằm vào cái đuôi của mâu thuẫn mà cố nhớ lại lúc đầu cãi nhau vì cái gì thì chỉ rút kinh nghiệm về cái đó. Nên biết rằng những lời sau được nói ra trong cơn tức giận mà quá giận thì mất khôn. Một nhà thơ cổ La Mã còn nói :”Tức giận là điên một lúc”, ta không chấp người điên.

Các nhà xã hội học cho biết, những cuộc cãi cọ lặt vặt gặm nhấm cuộc sống có đến 3/4 các gia đình ở thành phố, nó là kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình. Sau khi cãi cọ bao giờ cũng đến một giai đoạn giận dỗi và sau đó là làm lành. Nếu vợ chồng biết cách làm lành và cao hơn nữa đạt đến nghệ thuật làm lành thì chúng ta không sợ tranh cãi. Bởi vì như ai đó nói :”Hôn nhân là cuộc nói chuyện dài thỉnh thoảng phải giải lao bằng những cuộc cãi nhau”. Có điều nên lưu ý nữa là khi cãi nhau không nên sử dụng “vũ khí hạng nặng” thì khi làm lành sẽ dễ hơn nhiều.

Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa/ Afamily

 

TRÁNH ĐỔ VỠ TRONG HÔN NHÂN

Tránh đổ vỡ trong hôn nhân. Bạn và bạn đời có đang cân nhắc xem liệu tiếp tục chung sống hay chia tay? Cảm xúc của con bạn có bị tổn thương vì những cuộc cãi vã của bố mẹ chúng? Những lời khuyên sau có thể giúp thay đổi tình hình và cải thiện cuộc hôn nhân bên bờ vực của sự đổ vỡ.

Bước 1

Một trong những cách nhanh nhất để thay đổi diện mạo của hôn nhân là quay trở lại những kỷ niệm và ảnh ngày hai người thành vợ thành chồng, hoặc đọc lại những bài thơ hay thư tình mà hai người đã từng viết cho nhau. Để làm việc đó thành công, hai bạn cần có không gian riêng, không bị bọn trẻ quấy rầy trong suốt buổi tối yên tĩnh. Chỉ cần lấy những bức ảnh, lá thư ra và đọc chúng rồi nhìn bạn đời với ánh mắt đầy yêu thương.

Bước 2
Thẳng thắn với nhau và không dùng những từ ngữ như “không bao giờ”, “luôn luôn” vì chúng gây nhiều tổn thương cho các mối quan hệ. Bạn cần nhận ra rằng tình yêu không chỉ là cảm giác vì bạn không cảm thấy được yêu khi nó không được chứng tỏ. Tình yêu là những hành động các bạn làm cho nhau. Trong kinh thánh có định nghĩa Tình yêu được miêu tả như một hành vi, yêu là kiên nhẫn, yêu là phải ân cần…

Bước 3
Nếu tưởng tượng bản thân chúng ta đang có một “bể tình yêu”, chúng ta sẽ phát hiện thấy bể yêu đương đó trống rỗng. Để lấp đầy “bể luyến ái” ấy, chúng ta cần tìm được những phản ứng tình yêu đối với nhau. Tìm ra đâu là những vấn đề của bạn đời. Ví như anh ấy thích vợ lắng nghe một cách chân thành những tâm sự của anh ấy chứ không phải được một vài câu lại bị phân tán bởi tiếng chuông điện thoại hay những trò nghịch ngợm của lũ trẻ… Hoặc bạn có thể thích nhìn bạn đời chuẩn bị bữa ăn cho ngày cuối tuần bởi hành động đó khiến bạn cảm nhận được tình yêu hơn bất cứ thứ gì khác. Hãy thảo luận, trò chuyện với một nửa của mình để hiểu cô ấy/anh ấy muốn được yêu thông qua hành động chứ không phải cảm giác.

Bước 4
Để dành một khoảng thời gian đặc biệt vào buổi tối, 1 lần/tuần để hai vợ chồng có thể thảo luận về hôn nhân và cùng xem xét các vấn đề khúc mắc cũng như hi vọng, mong muốn của nhau. Hãy chia sẻ ước mơ với bạn đời của mình. Việc làm đó rất có lợi cho cuộc sống vợ chồng bạn đặc biệt nếu chúng bắt đầu giúp bạn lấp đầy “bể tình yêu”. TÌnh yêu thực sự là khi bạn làm việc gì tốt hơn người khác thay vì cố làm điều gì để có lợi cho mình. Hãy nhớ đừng bắt đầu dựa trên cảm giác làm không có mục đích cụ thể.

Bước 5
Bao nhiêu lần bạn đời của bạn nhờ bạn làm việc gì đó như là quần áo hay đi thanh toán hoá đơn tiền điện và bạn từ chối? Không nghi ngờ gì nếu người ấy nghĩ rằng bạn không yêu cô ấy/anh ấy vì bạn không thể hiện điều đó. Một số cặp vợ chồng đã kết hôn nhưng vẫn đi chơi với bạn bè như thể còn độc thân. Bạn sẽ làm gì cho bạn đời của mình khi bạn bè mỗi người một việc? Đó chỉ là con đường ngắn dễ dẫn tới chuyện yêu đương ngoài luồng.

Bước 6
Bạn cần nhớ làm những việc để có được một người nào đó. Bắt đầu yêu bằng hành động và ngưng dùng những từ ngữ như thể “không bao giờ” hay “luôn luôn”. Đừng dựa vào cảm giác bởi xúc cảm thay đổi theo tâm trạng, thời gian, hoàn cảnh. Hãy dành thời gian cho nhau ít nhất 1 lần mỗi tuần để trò chuyện, thảo luận về những mục tiêu cũng như ước mơ về cuộc sống gia đình. Chúc các cặp đôi luôn hạnh phúc trong hôn nhân.

KẾT HÔN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI: DỄ, NHANH HƠN

04/05/2013 – 04:05
Thời gian đăng ký từ 30 ngày giờ còn 25 ngày. Người đăng ký được hẹn phỏng vấn lại sau khi bị “đánh rớt” lần đầu.
Từ ngày 15-5, Nghị định 24/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài sẽ có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 68/2002, 69/2006).

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch – Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Với nghị định này thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 25 ngày làm việc. Trường hợp Sở Tư pháp thấy cần thiết phải xác minh thêm từ phía cơ quan công an (về giấy tờ hoặc nhân thân của các bên) thì thời hạn này có thể kéo dài thêm không quá 10 ngày làm việc (trước đây thời hạn này là 20 ngày).
Bỏ niêm yết
. Theo quy định cũ, hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài phải được niêm yết tại Sở Tư pháp, UBND cấp phường (nơi thường trú của người trong nước) trong bảy ngày. Quy định mới có còn buộc phải niêm yết hay không, thưa ông?
+ Không. Mục đích của việc niêm yết là để những người có liên quan có thể khiếu nại, tranh chấp… đến việc kết hôn đó. Thế nhưng quá trình triển khai cho thấy việc niêm yết không có hiệu quả vì ít ai biết đến việc kết hôn của các đương sự.
. Trước đây, khi đăng ký kết hôn thì bắt buộc hai bên nam, nữ phải có mặt để nộp hồ sơ. Điều này gây khó khăn cho những người ở nước ngoài về thời gian đi lại. Nay nghị định mới có tháo gỡ điều này không?
+ Có. Chỉ cần một bên đi nộp hồ sơ với điều kiện bên vắng mặt phải làm giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền này phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Thế nhưng đến lúc phỏng vấn thì cả hai phải có mặt.
Được phỏng vấn lại
. Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài phải được Sở Tư pháp phỏng vấn để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn… lâu nay khi “rớt” phỏng vấn, hai bên phải chờ một thời gian mới nộp lại hồ sơ nhưng họ cũng không rõ là lúc nào. Nghị định mới có quy định khác hơn không?
+ Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở sẽ hẹn ngày phỏng vấn lại sau 30 ngày (kể từ ngày đã phỏng vấn trước).
Quy định mới này bắt nguồn từ những vướng mắc trên thực tế nhưng do luật chưa quy định cụ thể nên khó làm. Như có trường hợp mới quen chưa đầy một tháng là đi đăng ký kết hôn ngay khi cả hai không biết ngôn ngữ của nhau (người nói tiếng Anh, người nói tiếng Việt), chưa rõ về gia đình, công việc, môi trường sống… Với những trường hợp này, Sở chỉ có thể linh động cho hai bên một thời gian để họ hiểu nhau hơn. Bây giờ thì dễ làm rồi, họ có thể nộp hồ sơ sau 30 ngày là được Sở hẹn phỏng vấn lại. Thực ra mục đích phỏng vấn cũng chỉ nhằm làm rõ về nhân thân, tình cảm của hai bên để xác định họ có tự nguyện kết hôn, có cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc hay còn có ý định gì khác mà hồ sơ chưa thể hiện hết.
. Xin cảm ơn ông.

 

KIM PHỤNG

(Theo báo Pháp luật)

HÀNH TRÌNH LY HÔN – BÀI 1: MÒN MỎI TÌM… NGƯỜI

PN – Ly hôn là lựa chọn của không ít người khi hôn nhân bế tắc, không đạt mục đích. Thống kê cho thấy, các tòa án quận huyện mỗi năm thụ lý từ 500 đến hơn 1.000 vụ ly hôn. Một số thẩm phán còn cho biết, chỉ một năm, họ đã “xử” hơn 300 vụ. Nhưng, ly hôn nào phải dễ dàng khi người trong cuộc cố tình… biến mất.

Anh… ở đâu?

Suốt 5 năm qua, chị N.T.P. phải lặn lội khắp nơi tìm chồng để… ly hôn. Năm 2002, chị và anh N.S.Đ. ngụ ở Tân An Hội, Củ Chi kết hôn, sinh được một bé gái. Do mâu thuẫn với gia đình chồng, chị P. bồng con về nhà mẹ ruột. Thời gian đầu, anh Đ. có qua lại thăm con nhưng sau đó, anh… biến mất. Năm 2005, chị P. nghe tin anh Đ. bị kết án tù giam vì tội cướp giật tài sản, nghĩ tình chồng vợ, chị lặn lội thăm nuôi. Khoảng hơn hai năm sau, chị nghe anh được trả tự do sớm và đi đâu không biết. Chị tìm đến gia đình anh, được người nhà anh khuyên hãy quên anh đi, vì anh đã có vợ con khác rồi.

Cảm thấy mình bị phản bội, chị P. nộp đơn xin ly hôn, nhưng TAND Q.Gò Vấp không thụ lý đơn vì anh Đ. không cư trú hoặc tạm trú ở Gò Vấp. Quay về Củ Chi, tòa cũng không nhận đơn của chị. Loay hoay suốt mấy năm, chị không biết làm cách nào để được “tự do”. Cuối năm 2012, TAND huyện Củ Chi đồng ý thụ lý đơn của chị P., nhưng là để tuyên bố sự mất tích của anh Đ., sau đó mới tính đến chuyện ly hôn… Chị P. lại mất sáu tháng làm các thủ tục công bố anh Đ. mất tích như xác nhận ở nơi cư trú cũ, đăng thông báo trên các phương tiện truyền thông…, vẫn chưa ly hôn được. Chị mệt mỏi: “Biết là phải “đi” từng bước theo luật, nhưng giá cán bộ thụ lý ở hai tòa án Gò Vấp và Củ Chi hướng dẫn cho tôi kỹ hơn, chắc tôi đã được ly hôn từ lâu rồi!”.

Chồng của chị N.H.A. ở Q.12 thì “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Từ năm 2009, anh theo người phụ nữ khác, bỏ mặc chị một mình nuôi hai con nhỏ. Chồng bỏ đi hơn một năm, rồi căn nhà đang ở bị giải tỏa, chị A. phải ôm hai con tìm nơi thuê nhà sinh sống. Sau đó, chị gặp một người đàn ông tốt bụng, đã cưu mang ba mẹ con chị. Thương chị, anh đặt vấn đề kết hôn. Chị bắt đầu đi tìm chồng cũ để ly hôn nhưng anh H.B. – chồng chị, đã chuyển hộ khẩu về Lâm Đồng từ lâu, chính quyền địa phương cũng không rõ nơi chuyển đến của anh. Chị A. đăng báo gọi anh về ly hôn, thì anh gọi điện bảo chị đợi khi nào anh ta… chết rồi ly hôn một thể! Chị A. khóc: “Anh ta làm khó kiểu đó đã khiến người mới hiểu lầm, vì thấy tôi cứ vướng mắc, dù chỉ là giấy tờ với người cũ”.

Mòn mỏi

Anh N.C.N. và chị T.T.T. từng có bốn năm chung sống hạnh phúc. Cuộc sống của anh chị có lẽ sẽ rất yên bình nếu như chị T. đừng tin lời thầy bói: “Anh N. số đào hoa, nếu không canh giữ, sẽ nhiều vợ”. Nghe thầy bói, chị yểm bùa khắp nhà và… theo sát canh chừng chồng. Anh N. nổi quạu: “Nghe lời thầy bói, cô ấy ghen tuông bậy bạ làm tôi bẽ mặt. Bốn năm dài, tôi chịu hết xiết, phải nộp đơn ly hôn. Biết tôi nộp đơn cho tòa, cô ấy biến mất khỏi nơi cư trú. Tôi tìm mãi mới biết được nơi ở mới của cô ấy tận Vũng Tàu nhưng cô lại không ra trình diện tòa khi được triệu tập. Hai năm ròng, dù trốn tránh tòa nhưng cô ấy vẫn đeo bám tôi như đỉa. Cuối cùng, nhờ một luật sư mách nước, tôi ghi âm, ghi hình và lập chứng cứ nơi cư trú của cô ấy nộp cho tòa. Tòa đã quyết định cho tôi ly hôn, dù ngày tòa tuyên phán quyết, cô ấy vẫn cố tình trốn tránh. Sau ba năm mòn mỏi tôi mới thoát được cuộc hôn nhân oái oăm đó”.

Không may mắn như anh N., 12 năm qua, anh K.V.H., ở Q.5, vẫn phải “đeo” tấm giấy ghi chú kết hôn với người vợ mang quốc tịch Mỹ, dù chẳng còn biết chị ta đang ở đâu. Tìm đến Báo Phụ Nữ cầu cứu, anh H. kể: “Năm 2001, vì muốn “đổi đời”, tôi vay mượn để làm thủ tục kết hôn giả với một kiều bào. Nào ngờ, làm thủ tục kết hôn xong, cô ấy về Mỹ rồi mất tăm luôn. Khi ra tòa hỏi thủ tục ly hôn, tòa bảo tôi phải tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp, dịch thuật đơn từ…”. Không có tiền, nên anh H. đành bấm bụng chờ đợi người vợ ấy “từ tâm” quay về suốt 12 năm qua! Anh nói: “Người tôi yêu chờ đợi tôi đã quá lâu mà tôi vẫn không ly hôn được. Giờ tôi không biết phải làm sao”.

Mỗi năm, TP.HCM tồn đọng trên 1.000 vụ án hôn nhân. Trong đó, án hôn nhân có yếu tố nước ngoài có tỷ lệ giải quyết luôn thấp hơn án trong nước (năm 2011, chỉ có 736 vụ được giải quyết trên tổng số 1.121 vụ; năm 2012 là 496/928 vụ).

Theo ông Bùi Văn Trí – Phó chánh Tòa dân sự TAND TP.HCM: “Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý đến ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với vụ án phức tạp, thời hạn chuẩn bị xét xử được kéo dài thêm hai tháng. Đối với vụ án ly hôn có một bên đương sự ở nước ngoài thì tòa án phải ủy thác tư pháp cho Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài hoặc tòa án có thẩm quyền của nước ngoài để thông báo việc thụ lý vụ án và ngày giờ xét xử cho đương sự ở nước ngoài biết. Sau khi có kết quả ủy thác tư pháp, tòa án mới quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn ủy thác cho đương sự ở nước ngoài tối thiểu là sáu tháng, tối đa 18 tháng; đối với vụ án phức tạp thời hạn trên có thể kéo dài hơn”. Tuy nhiên, vì rất nhiều nguyên do, không ít án dân sự về ly hôn kéo dài năm, sáu năm trời. Có trường hợp, con chung của hai đương sự khi nộp đơn ra tòa vẫn còn là một đứa trẻ, cần được cấp dưỡng, nhưng khi tòa đưa ra xét xử, đứa bé đã trưởng thành!

Nghi Anh

Kỳ tới: “Ly mà không thoát”

(Nguồn: Báo phụ nữ Tp.HCM)

Các thủ tục để xin ly hôn có yếu tố nước ngoài

– Đơn xin ly hôn (theo mẫu). Nếu hai người thuận tình ly hôn thì đơn ly hôn phải do cả hai cùng ký và cùng nộp đơn. Trường hợp đơn ly hôn do vợ, chồng cùng ký (thuận tình ly hôn) nhưng một bên vắng mặt khi nộp đơn thì phải có xác nhận chữ ký của bên vắng mặt của chính quyền địa phương hoặc sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.

– Bản sao giấy CMND (hộ chiếu); hộ khẩu (có sao y bản chính).

– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có). Trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.

– Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con).

– Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).

– Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã xóa tên trong hộ khẩu.

– Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.

Thời hạn xét xử: Từ ba đến sáu tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

(Theo quy định được niêm yết tại Tòa án nhân dân TP.HCM)

HÀNH TRÌNH LY HÔN – BÀI 2: “LY” MÀ KHÔNG “THOÁT”

PN – Sau khi cầm quyết định ly hôn của tòa án, những tưởng được “tự do”, nhưng nhiều người đã không thể thoát được cuộc hôn nhân cũ. Hay nói đúng hơn là không thoát khỏi người vợ hoặc chồng cũ!

HẾT DUYÊN… CÒN NỢ

Chỉ tính riêng năm 2012, Báo Phụ Nữ đã tiếp nhận hàng chục lá đơn kêu cứu của những trường hợp dù ly hôn rồi vẫn còn bị vợ cũ theo dõi, phá bĩnh hay bị chồng cũ đánh đập, lăng nhục. Nguyên nhân hầu hết là để tranh đoạt tài sản.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ nóng như nung ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, chị L.T.T., SN 1965, nói trong nước mắt: “17 năm chung sống, từ tay trắng, vợ chồng đã cùng tạo lập được một xưởng dệt với hàng ngàn mét vuông đất ở Củ Chi, vậy mà, ngay từ lúc chưa ly hôn, anh ta chửi mắng, đuổi thẳng ba mẹ con tôi khỏi nhà, đưa người phụ nữ khác về chung sống. Vì con, tôi phải nghỉ làm, chuyển trường về nơi mới để giúp con ổn định lại tinh thần sau cú sốc ba phản bội mẹ. Tòa xử anh ta phải chia lại tôi một phần tài sản trị giá hơn một tỷ đồng, nhưng anh ta không thi hành án. Tháng 12/2012, sau hai năm mòn mỏi khiếu kiện, tôi được anh ta thông báo về Củ Chi nhận phần tài sản của mình thì mới biết toàn bộ nhà xưởng ở đây đã cháy rụi, dù bán đổ tháo cũng chưa đủ trả nợ khoản vay ngân hàng mà anh ta từng mang xưởng này đi thế chấp! Từ ngày giao cho tôi đống nợ, anh ta bỏ đi Bình Dương sống cùng người mới. Tôi hết duyên mà vẫn còn mang nợ!”.

Ly hôn từ năm 2007, chờ suốt sáu tháng, chẳng những không được cấp dưỡng nuôi con, mà còn bị chồng đuổi khỏi nhà cùng con trai, chị L.T.U.N. ở Q.2 đã khởi kiện tranh chấp tài sản chung.

Tính từ ngày khởi kiện đến nay đã sáu năm, chị U.N. vẫn mòn mỏi chờ. Sau khi vụ kiện sơ thẩm ở Q.2 kết thúc, không đồng ý với phán quyết đầy bất công của tòa, chị kiện lên Tòa phúc thẩm. Sau khi thụ lý, TAND TP.HCM quyết định hủy toàn bộ bản án cũ, cho tiến hành điều tra lại vì TAND quận sai nhiều thủ tục tố tụng. Từ lúc trả đơn về Q.2 đến nay hơn hai năm, chị U.N. tiếp tục chờ… Trong khi đó, trên mảnh đất được xác nhận là tài sản chung hiện có 43 phòng trọ, một nhà kho và một quán ăn do anh N. quản lý thu được huê lợi mỗi tháng vài chục triệu đồng. Chị U.N. bức xúc: “Bao giờ tòa mới đưa vụ việc ra xét xử? Trong khi những khoản tiền vay nợ chung từ ngân hàng phát sinh lãi quá hạn ông N. không đóng và cũng không chia tiền để tôi đóng. Lúc ly hôn, con trai tôi chỉ 16 tuổi, quyết định ông N. cấp dưỡng mỗi tháng bốn triệu đồng nuôi con, ông ấy cũng không thi hành. Nay cháu 22 tuổi, tôi kiện như thế nào để truy lãnh tiền đó cho con? Năm 2008, sau khi đe dọa tôi vì tranh chấp tài sản, ông N. đã đánh tôi gãy tay, giờ tôi mất khả năng lao động. Của cải trên danh nghĩa có hàng chục phòng trọ và một căn biệt thự nhưng tôi lại đang phải đi ở trọ!”.

THẢM HỌA CHUNG NHÀ

Cũng vì tranh chấp tài sản với chồng cũ, chị N.T.T.L., ngụ ở Q.11, rơi vào tình trạng ly mà không thoát. Anh chị chung sống hơn 18 năm, chung tay cất được ngôi nhà ba tấm khang trang. Nhà xây xong thì chị L., phát hiện anh T.V.X., chồng chị, có bồ và đã có một đứa con rơi, là con trai, trong khi chị L. sinh một lèo ba cô con gái. Vì thế, anh X. dẫn ngay người mới về nhà, chiếm trọn tầng trệt và tầng một làm tổ uyên ương. Chị L. làm dữ, anh X. chìa ra lá đơn ly hôn. Sau khi tòa chia đôi tài sản cho chị: một nửa căn nhà và một nửa số nợ gần 400 triệu đồng, chị không biết làm sao lấy nhà cũng chẳng biết làm sao trả nợ. Anh X. và người vợ mới khẳng định không có tiền “thối” lại cho chị ra khỏi nhà, còn thách thức: “Có giỏi thì đi kiện, chúng tôi đi hầu”. Vậy là suốt bốn năm qua, chị phải ra vào chung một nhà với những người lẽ ra “không đội trời chung”.

Một mình làm công nhân ở xí nghiệp in, chị lo cho con ăn học được đã là may. Trong khi lấy trọn mặt bằng tầng trệt, anh X. và vợ mới sống ung dung, nhàn hạ. Chị L. bật khóc: “Đôi lúc thấy các con nghe mùi thức ăn nhà dưới xộc lên, len lén nuốt nước miếng mà xót cả lòng. Nhưng, nếu ra khỏi ngôi nhà ấy, coi như mấy mẹ con mất trắng. Mà đi thì cũng chẳng biết đi đâu vì tiền lương của tôi chỉ hơn năm triệu đồng, nếu gánh thêm tiền thuê nhà, sống sao nổi?”.

Chưa có vợ mới, nhưng người chồng cũ sống chung nhà với chị L.T.N.B., ở Thủ Đức lại liên tục cưỡng bức, bạo hành chị. Cứ cách hai ba đêm, anh ta lại mò vào phòng chị một lần. Ban đầu, do hai con còn quá nhỏ, chị B. không dám kêu cứu. Biết điểm yếu của chị, anh chồng cũ ngày càng lấn tới. Khi chị quyết liệt chống cự, anh ta đánh đập chị không thương tiếc. Cuối cùng, sau hai năm chịu đựng, B. bế hai con bỏ trốn về quê ở Quảng Ngãi.

Vấn nạn chồng cũ là một nỗi nhức nhối không chỉ riêng của người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh đó mà còn là bi kịch cho những đứa trẻ lỡ sinh trong gia đình có người chồng, người cha tệ bạc, cạn tàu ráo máng. N.T.N., sinh viên năm thứ tư, giờ phải ở trọ trên tầng bốn của tòa nhà sáu tầng do cha mẹ mình từng là đồng sở hữu (giờ đã thành tổ ấm mới, là cơ sở kinh doanh làm ra tiền tỷ của cha) cay đắng nói: “Luật pháp đã không bảo vệ quyền lợi của mẹ con tôi. Lẽ ra, việc cha tôi phản bội mẹ, vi phạm Luật HNGĐ khi đưa người phụ nữ khác về chung sống, phải là một yếu tố để quy lỗi, bắt ông phải để phần tài sản nhiều hơn cho mẹ tôi nhưng luật chỉ yêu cầu chia đôi bình thường. Người gây lỗi là cha tôi, do có hộ khẩu ở căn nhà đó, đã ngang nhiên đuổi mẹ con tôi ra khỏi căn nhà chung. Tôi thật không biết phải kêu cứu ở đâu để giúp mẹ lấy lại công bằng”.

Nghi Anh

(Nguồn: Báo Phụ nữ Tp.HCM)

Chị em cần được tư vấn pháp luật từ đầu

Bộ Luật Tố tụng dân sự tại các điều 27, 28 quy định về thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với vụ việc hôn nhân và gia đình và điều 179 khoản a quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng.

Trường hợp của chị L.T.T., vụ việc đã được tòa án giải quyết xong, chị L.T.T. phải yêu cầu thi hành án. Nếu người chồng không chấp hành, sẽ bị cưỡng chế. Chị L.T.T. đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi, nhưng không đúng thẩm quyền, nên không được giải quyết. Riêng chị U.N., do không đồng ý với bản án sơ thẩm nên vụ án bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và xét xử lại từ đầu, dẫn đến kéo dài thời gian. Vụ án kéo dài hơn hai năm là sai về thủ tục tố tụng, chị U.N. phải làm đơn khiếu nại, yêu cầu làm rõ lý do.

Các chị không nên bỏ nhà đi trong thời gian giải quyết việc ly hôn, vì làm như thế càng tạo điều kiện cho người chồng tẩu tán tài sản. Trường hợp bị hành hung, theo Luật PCBLGĐ, các chị có quyền yêu cầu chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ và các tổ chức xã hội can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chị U.N. còn có thể yêu cầu cơ quan công an Q.2 khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” theo điều 104 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp ly hôn mà vẫn ở chung nhà, thì nên yêu cầu cơ quan thi hành án xem xét hoàn cảnh của các bên đưa ra cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Để giải quyết một cách trọn vẹn việc ly hôn và các vấn đề liên quan đến hôn nhân, các chị nên tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư, luật gia ngay từ khi bắt đầu vụ việc, mới tránh được những hậu quả khó xử.

Văn phòng trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Ly hôn có là lối thoát?

Theo số liệu của TAND TP.HCM, năm 2012, ngành tòa án đã thụ lý 19.893 vụ ly hôn, tăng 577 vụ so với năm 2011. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, mỗi năm TP.HCM tăng thêm trên 500 vụ ly hôn, một con số chóng mặt. Phải chăng ly hôn đang là “mốt” của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ? Phải chăng chuyện gì cũng có thể khiến người ta dẫn nhau ra tòa, bất chấp những hệ lụy? Mời các bạn tham gia diễn đàn Ly hôn có là lối thoát? để phân tích nguyên nhân, đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn, gìn giữ mái ấm gia đình. Bài viết từ 800 – 1.000 chữ, chưa sử dụng trên bất cứ phương tiện truyền thông nào, gửi về địa chỉ: lyhonlaloithoat@baophunu.org.vn.

Báo Phụ Nữ

ÁN HÔN NHÂN: NHIỀU VƯỚNG MẮC CHỜ LUẬT ĐIỀU CHỈNH

27/05/2013 – 06:25

Luật Hôn nhân và Gia đình có hẳn Chương XI quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, còn nhiều văn bản hướng dẫn như các nghị định số 68/2002 và số 24/2013 của Chính phủ, Thông tư số 07/2002 của Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao… Tuy nhiên, tổng kết 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, theo Bộ Tư pháp, thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp vướng mắc cần điều chỉnh.

Chẳng hạn, trường hợp công dân Việt Nam đi lao động xuất khẩu rồi trốn ở lại nước ngoài, chồng (vợ) ở nhà mất liên lạc nên muốn ly hôn. Hoặc trường hợp công dân Việt Nam lấy chồng (vợ) là người nước ngoài rồi theo bạn đời ra nước ngoài sinh sống, sau đó bỏ về nước và muốn ly hôn. Lúc này tòa án rất khó giải quyết vì không thể ủy thác tư pháp hoặc ủy thác rồi mà không có kết quả.

Với các trường hợp trên, có ý kiến cho rằng nên sửa luật theo hướng tòa giải quyết cho ly hôn nhưng không giải quyết về tài sản. Nếu sau này các đương sự có tranh chấp về tài sản thì khởi kiện trong vụ án dân sự khác.

Ngoài ra, thực tiễn xét xử phát sinh tình huống hai người nước ngoài kết hôn ở nước ngoài, sau đó sang Việt Nam sống và xin ly hôn tại tòa án Việt Nam. Có tòa thụ lý, có tòa không. Vì vậy rất cần có quy định cụ thể để áp dụng thống nhất.

Nhiều thẩm phán còn cho biết gặp khó khăn với trường hợp đương sự xin ly hôn và tranh chấp bất động sản ở nước ngoài. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn phải tuân theo pháp luật nước nơi có bất động sản”. Vì vậy, xét xử các trường hợp này rất phức tạp bởi vừa vướng thủ tục ủy thác tư pháp vừa phải tìm hiểu, vận dụng pháp luật nước ngoài…

THANH TÙNG

(Nguồn: Báo pháp luật)

QUY ĐỊNH ÁN PHÍ TRONG ÁN HÔN NHÂN CHƯA PHÙ HỢP?

26/05/2013 – 23:00

Theo Nghị quyết 01 (ngày 13-6-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) nếu vợ, chồng rút đơn xin ly hôn thì sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí dù vụ việc đó mới thụ lý hoặc đã đến giai đoạn đưa vụ án ra xét xử.

Chính quy định này đã dẫn đến hệ lụy là trong cuộc sống hôn nhân vợ hoặc chồng có thể nộp đơn xin ly hôn để dọa nhau, nộp rồi sau đó rút đơn thì cũng chẳng phải chịu tốn khoản chế tài nào. Nghĩa là ngân sách Nhà nước chẳng thu được đồng nào nhưng lại phải tốn các chi phí thực hiện tố tụng.

Đặc biệt, một số trường hợp tại phiên tòa, người có yêu cầu xin ly hôn mới rút đơn thì HĐXX sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, hoàn trả lại tạm ứng án phí. Trong khi đó, chi phí phiên tòa (là tiền ngân sách) bỏ ra lại tốn kém không ít. Như vậy, có thể thấy rằng quy định trả lại tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện do rút đơn khởi kiện tại phiên tòa là chưa phù hợp, còn bất cập và thiếu công bằng.

Theo tôi, trong trường hợp người có yêu cầu xin ly hôn rút đơn, từ bỏ ý định ly hôn thì trong giai đoạn trước khi mở phiên tòa, thẩm phán có thể lập biên bản công nhận sự thỏa thuận (hòa giải thành) và các đương sự phải chịu án phí theo quy định.

Trong trường hợp tại phiên tòa, người có yêu cầu ly hôn mới rút đơn thì HĐXX có thể không chấp nhận và vẫn tiến hành xét xử theo quy định để tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện và buộc phải chịu án phí. Hoặc tòa án có thể đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS (các đương sự đã thỏa thuận và không yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết vụ án) để buộc đương sự chịu án phí theo quy định.

MINH KHÁNH

(Nguồn: Báo pháp luật)

ĐÌNH CHỈ VỤ ĐÒI NHÀ VỚI “THẦN BÀI”

08/05/2013 – 06:00

Tòa án cấp phúc phẩm cho rằng phải khởi kiện thành vụ án khác để phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Chiều 7-5, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên hủy án sơ thẩm của TAND TP Phan Thiết, đình chỉ vụ tranh chấp nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Mến (tức Men Nguyen – một “thần bài”, triệu phú đôla nổi tiếng trong làng poker ở Mỹ và thế giới). Theo tòa, giữa Mỹ và Việt Nam chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên bà Vân không thể căn cứ bản án của Mỹ để kiện đòi nhà. Nếu sau này có tranh chấp thì hai bên phải khởi kiện thành vụ án khác…

“Cặp đôi hoàn hảo” tan vỡ

Theo hồ sơ, ngày 25-5-2010, Tòa cấp cao Los Angeles tuyên chấp nhận cho ly hôn giữa bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (ngụ TP Downey, quận Los Angeles, bang California, Mỹ) với chồng là ông Nguyễn Văn Mến. Trong phán quyết phân chia tài sản, ngoài vô số đồ trang sức mà bà Vân sở hữu, Men Nguyen còn có trách nhiệm trợ cấp hôn nhân, hỗ trợ cho bà Vân mỗi tháng 1.500 USD. Việc hỗ trợ này chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời hoặc bà Vân tái hôn. Ngoài ra, bà Vân còn được sở hữu một căn nhà và đất tại Phan Thiết… Căn cứ bản án này, bà Vân về Việt Nam khởi kiện bà Hạnh (em ruột ông Mến, người đang quản lý, sử dụng nhà và đất nói trên) yêu cầu giao trả lại tài sản.

Vợ chồng “thần bài” khi còn mặn nồng. (Ảnh do Men Nguyen cung cấp)

Sơ thẩm thắng kiện

Quá trình khởi kiện, người nhà bà Vân cung cấp giấy tờ chứng minh nhà, đất do bà Vân đứng tên, mua năm 1992 trước khi kết hôn với ông Mến vào năm 1997. Sau này bà Vân cho bà Hạnh ở nhờ.

Tại phiên sơ thẩm, đại diện phía ông Mến nói: “Sau khi thắng một giải đấu lớn, ông Mến về Phan Thiết mua nhà, đất. Thời điểm trên ông Mến chưa được đứng tên do là Việt kiều nên nhờ bà Vân (lúc này đã sống chung như vợ chồng với ông Mến) đứng tên. Như vậy, đây không phải là tài sản của bà Vân. Tuy nhiên, ông Mến chỉ xin nhận một nửa tài sản”.

Sau khi xem xét, TAND TP Phan Thiết cho rằng nhà, đất trên bà Vân mua năm 1992. Đến năm 1997, ông Mến và bà Vân mới kết hôn nên không thể chấp nhận yêu cầu của ông Mến. Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Vân, buộc phía ông Mến phải giao trả nhà, đất cho bà.

Khởi kiện thành vụ án khác

Qua nghiên cứu vụ án, VKSND TP Phan Thiết đã quyết định kháng nghị cho rằng ông Mến và bà Vân sống chung với nhau từ năm 1990 là có thật. Cụ thể, tháng 12-1991 họ có con chung và bà Vân đi đăng ký khai sinh ghi tên cha là Nguyễn Văn Mến. Theo Nghị quyết 35 (năm 2000 của Quốc hội): “Nam và nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 3-1-1987 đến 1-1-2001, trong thời hạn này dù không đăng ký kết hôn nhưng có yêu cầu ly hôn thì tòa án áp dụng các quy định về ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết”.

Ngoài ra, căn nhà trên mua vào thời điểm hai người đã có con chung, lời khai của người làm chứng cũng khẳng định ông Mến chính là người trực tiếp giao vàng mua căn nhà nên có căn cứ xác định nhà, đất trên là tài sản chung của ông Mến và bà Vân được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Do đó ông Mến yêu cầu được nhận nửa giá trị tài sản là có cơ sở.

Xử phúc thẩm hôm qua, TAND tỉnh Bình Thuận nhận định bà Vân căn cứ bản án của Mỹ khởi kiện đòi hết căn nhà trong khi giữa Mỹ và Việt Nam chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam. Sau khi xem xét các chứng cứ, tòa xác định nhà, đất trên là tài sản chung giữa hai người trong hôn nhân. Như vậy, bà Vân nếu muốn khởi kiện đòi căn nhà trên thì căn cứ theo pháp luật Việt Nam, bà phải khởi kiện ở một vụ án khác…

Hài lòng với phán quyết của tòa

Sau phiên xử, “thần bài” Men Nguyen cho biết ông hài lòng với kết quả xét xử. Ông nói: “Tiền bạc tôi không thiếu nhưng đối với tôi, căn nhà ở Phan Thiết rất thiêng liêng vì đó là nơi thờ tự ông bà, cha mẹ. Nghĩ đến các con, tôi sẵn sàng chia đôi nhà cho bà Vân chứ không thể để mất hết”.

PHƯƠNG NAM

(Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM)