BÀN VỀ VIỆC “YÊU CẦU CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN, NUÔI CON, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN” QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 2, ĐIỀU 28, BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Từ khi Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) ra đời, những quy định về thủ tục giải quyết các việc dân sự tại Toà án được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, là những quy định mới của pháp luật và một trong những quy định mới đó là việc dân sự về “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Cơ sở pháp lý của loại việc này xuất phát từ Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, theo đó: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con….”. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc thụ lý, giải quyết việc dân sự “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” theo quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS của Toà án hầu như là rất ít; cá biệt rất nhiều Toà án cấp sơ thẩm sau nhiều năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự, mặc dù đã ban hành vô số các quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự, nhưng lại chưa thụ lý, giải quyết việc dân sự nào theo quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS. Để lý giải vì sao lại có sự bất cập này trên thực tiễn, theo chúng tôi, có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”  được coi là việc dân sự, liệu có phù hợp không?

Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Toà án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (Điều 311 BLTTDS). Như vậy, có thể thấy ngay điểm khác biệt cơ bản so với vụ án dân sự và đặc thù của việc dân sự đó chính là về mặt nội dung không có tranh chấp giữa các đương sự. Do đó, quá trình giải quyết việc dân sự, về nguyên tắc khi không có tranh chấp giữa các đương sự thì không đặt ra vấn đề hoà giải. Luật Hôn nhân và Gia đình thì lại quy định dù thuận tình ly hôn hay ly hôn theo yêu cầu của một bên thì vẫn bắt buộc Toà án phải hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (các Điều 88, 90, 91 Luật Hôn nhân và Gia đình). Chúng tôi cho rằng, Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định cho vợ chồng có quyền cùng yêu cầu ly hôn (được xem là thuận tình ly hôn), chỉ là quy định về quyền được ly hôn và là một trong những cách thức mà cả hai vợ chồng cùng lựa chọn để tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đây không phải là một căn cứ pháp lý để cho ly hôn vì sự tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân trong trường hợp này của vợ chồng là sự tự nguyện phải thoả mãn các điều kiện do pháp luật quy định và Toà án là cơ quan quyết định. Xuất phát từ quy định về căn cứ cho ly hôn được quy định  tại Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình thì dù vợ chồng có thuận tình ly hôn thì Toà án chỉ chấp nhận khi quan hệ hôn nhân ở “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” nên về bản chất, cho dù là thuận tình ly hôn thì giữa các đương sự vẫn có mâu thuẫn nội tại và có sự tranh chấp, bất đồng trong quan hệ hôn nhân. Thuận tình ly hôn chỉ là một trong những giải pháp vợ chồng lựa chọn để giải giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong quan hệ hôn nhân. Như vậy, coi “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” là việc dân sự liệu rằng đã phù hợp với các quy định của pháp luật? Nếu coi là việc dân sự mà khi giải quyết Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải thì phải chăng đã phù hợp với bản chất của việc dân sự là “giữa các đương sự không có tranh chấp”?

Thứ hai, ưu điểm của thủ tục giải quyết việc dân sự là đơn giản hơn, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, thời hạn mở phiên họp ngắn hơn nhiều so với thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên toà đối với việc giải quyết vụ án dân sự nhưng thực tiễn cho thấy khi giải quyết việc dân sự “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” lại phức tạp và mất thời gian hơn so với việc thụ lý giải quyết vụ án sau đó ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự. Bởi lẽ:

Đối với việc dân sự, Viện kiểm sát phải tham gia 100% các phiên họp, đồng nghĩa với việc Toà án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn luật định để Viện kiểm sát tham gia phiên họp. Quyết định giải quyết việc dân sự không phải là một quyết định có hiệu lực thi hành ngay mà là quyết định có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình thì trước khi mở phiên họp, Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải.

Đối với vụ án dân sự, trường hợp các đương sự cũng thuận tình ly hôn, thì sau khi thụ lý vụ án, Toà án triệu tập các đương sự để tiến hành hoà giải. Xét thấy các đương sự đã thật sự tự nguyện thuận tình ly hôn, Toà án hoà giải không thành và họ đã thoả thuận được với nhau về việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì Toà án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự (hướng dẫn tại Công văn số 107/KHXX ngày 23/6/2006 của Toà án nhân dân tối cao). Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

So sánh 2 cách giải quyết trường hợp thuận tình ly hôn bằng việc dân sự và bằng vụ án dân sự như nêu trên thì thấy rằng: Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là Toà án và Viện kiểm sát, việc giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự, sẽ tiết kiệm hơn về mặt thời gian, không phức tạp về mặt thủ tục vì Viện kiểm sát không phải tham gia phiên toà; đối với các đương sự thì cũng tiết kiệm được thời gian, quyết định giải quyết của Toà án lại có hiệu lực thi hành ngay.

Như vậy, Luật nội dung không chỉ rõ thuận tình ly hôn sẽ được giải quyết theo thủ tục nào nhưng Luật tố tụng lại đang tồn tại cùng một lúc song song hai loại thủ tục tố tụng dân sự có thể giải quyết trường hợp thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 mà không thể hiện rõ ràng khi nào là vụ án dân sự và khi nào là việc dân sự. Từ đây, dẫn đến tâm lý “ngại” thụ lý, giải quyết các trường hợp thuận tình ly hôn theo thủ tục việc dân sự của Toà án vì những lẽ như đã nói ở trên và cũng bởi lẽ khi ra quyết định công nhận sự tự nguyện  thoả thuận giữa các đương sự thì đối với Toà án và đối với Thẩm phán sẽ là cách giải quyết ưu việt hơn cả về mọi phương diện.

Thực tiễn hiện nay, rất nhiều các quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự được Toà án ban hành nhưng trong quyết định chỉ duy nhất có nội dung công nhận thuận tình ly hôn mà các nội dung khác như về con chung, về tài sản chung Toà án ghi là các đương sự không có nên không xem xét giải quyết hoặc các đương sự không yêu cầu Toà án giải quyết nên không xem xét giải quyết…Như vậy, việc vận dụng Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết, ghi nhận thuận tình ly hôn trong trường hợp này bằng một quyết định liệu đã phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự? Bởi Toà án chỉ giải quyết duy nhất quan hệ về hôn nhân giữa các đương sự và hoà giải không thành thì về nguyên tắc phải lập biên bản hoà giải không thành và đưa vụ án ra xét xử. Toà án chỉ quyết định cho ly hôn khi có các căn cứ cho ly hôn theo quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình chứ không căn cứ vào thoả thuận thuận tình ly hôn giữa các đương sự để quyết định cho ly hôn.

Sở dĩ có tình trạng trên là vì, sau khi nhận đơn khởi kiện xin ly hôn của các đương sự, mặc dù có nhiều trường hợp phải thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự như quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS nhưng Toà án thường hướng các đương sự sửa lại đơn khởi kiện theo hướng có tranh chấp với nhau hoặc theo hướng ly hôn theo yêu cầu của một bên, để thụ lý giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự. Như vậy, ban đầu là thụ lý vụ án dân sự, sau đó, tiến hành hoà giải, hướng vụ án theo trường hợp thuận tình ly hôn, có tính chất như việc dân sự (không có tranh chấp) để vận dụng Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận giữa các đương sự.

Chúng tôi cho rằng, việc vận dụng Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết các trường hợp thuận tình ly hôn bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự, theo trình tự của một vụ án dân sự, là phù hợp hơn cả. Thực tiễn đã cho thấy việc dân sự “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” quy định tại khoản 2 Điều 28 BLTTDS hầu như không được áp dụng bởi những lẽ như đã phân tích nêu trên. Có nên tiếp tục duy trì quy định “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”, là một loại việc dân sự hay không để phù hợp với thực tiễn, theo chúng tôi cũng đang là vấn đề cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể.

Nguyễn Thành Duy – VKSND tỉnh Gia Lai
Nguồn: toaan.gov.vn

NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ ĐƯỢC NỔ SÚNG KHI TÍNH MẠNG BỊ ĐE DỌA

(SGGPO). – Sáng nay, 20-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh gồm 6 chương, 38 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội.

(SGGPO). – Sáng nay, 20-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh gồm 6 chương, 38 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội.

 

Tại buổi công bố, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết pháp lệnh là chế tài mạnh nhất nhằm ngăn chặn và xử lý các vi phạm về sử dụng vũ khí, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Pháp lệnh nghiêm cấm mọi cá nhân sở hữu vũ khí. Nghiêm cấm chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, xuất nhập khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nghiêm cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức.

Cùng với đó, hành vi cho tặng, gửi mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng bị nghiêm cấm. Cấm mang vũ khí, vật liệu nổ vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nghiêm cấm đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với quy định trên, Pháp lệnh cũng quy định các trường hợp được phép và không được phép nổ súng. Bởi lẽ, nổ súng là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp  đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí khi đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể công dân. Theo đó, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền.

Còn khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc như: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định nổ súng. Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh bảo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác, hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

Không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định, được phép nổ súng bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp: đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có trở khách, hoặc có con tin.

Cũng được phép nổ súng khi biết rõ phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm.

Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30-6-2011 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012.

Khánh Nguyễn

(Theo SGGP online)

LÚNG TÚNG VỚI TIN BÁO TỘI PHẠM

12/05/2013 – 07:20

Lúng túng với tin báo tội phạm Công an đang điều tra, xử lý tin báo của bà trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bị người lạ nhắn tin, gọi điện thoại dọa giết.

Chưa biết động cơ kẻ dọa là gì và việc điều tra của công an thế nào nhưng cách phản ứng của cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm ít ra đã làm yên lòng người tố giác, làm kẻ dọa dẫm chùn tay.

Thực tiễn, nhiều trường hợp từ dọa giết đến giết người chỉ trong gang tấc nhưng khi nhận được tin báo tội phạm, công an không tổ chức bảo vệ người tố giác để tính mạng, sức khỏe của họ bị xâm phạm. Có điều này vì luật quy định việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm chưa rõ, tùy thuộc vào sự mẫn cảm của người tiếp nhận.

việc tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm còn nhiều bất cập, một phần do nhận thức của cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý chưa thấy hết trách nhiệm của mình, còn coi việc xử lý tin báo tội phạm là việc giải quyết khiếu nại, một phần do các quy định của pháp luật còn thiếu, những quy định không rõ ràng.

Bộ luật Tố tụng hình sự chủ yếu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, còn đối với cơ quan không phải là cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có cả công an cấp xã) nếu nhận được tin báo tội phạm chỉ có nhiệm vụ chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Luật quy định là chuyển ngay nhưng lại không quy định là bao lâu. Thực tế, khi nhận được tin báo tội phạm, công an thường tiến hành một số hoạt động xác minh có tính chất điều tra tiền tố tụng. Các hoạt động này, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật; nhiều trường hợp công an lúng túng vì không cẩn thận sẽ làm oan người vô tội. Nhưng nếu quá cẩn thận, tiến hành các hoạt động xác minh trước khi khởi tố thì nhiều trường hợp tội phạm đã thực hiện xong, người phạm tội đã “cao chạy xa bay”.

Cạnh đó, người dân phát hiện tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội thường chỉ báo với công an cấp xã trong khi công an cấp này không phải là cơ quan điều tra. Khi nhận được tin báo tội phạm, công an cấp này cũng chỉ có nhiệm vụ xác minh rồi báo tin về cho cơ quan điều tra chứ cũng không có quyền thực hiện các hành vi tố tụng.

Không chỉ công an cấp xã mà với công an cấp huyện, cấp tỉnh khi nhận được tin báo tội phạm cũng phải xử lý rồi mới chuyển cho cơ quan điều tra. Trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Nhưng trong thời hạn này, luật không quy định cho cơ quan điều tra được làm gì, không được làm gì, mà chỉ cho phép cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh (hành vi tiền tố tụng). Việc tiến hành kiểm tra, xác minh như thế nào, có được kiểm tra nơi ở, chỗ làm việc hoặc có được gọi hỏi những người bị tố cáo và những người có liên quan khác không cũng chưa rõ…

Dù luật quy định cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm nhưng trên thực tế, người tố giác tội phạm không được bảo vệ, nhiều trường hợp bị trả thù. Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về việc bảo vệ người tố giác tội phạm.

Có quá nhiều điều còn hở nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần hướng dẫn, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận tin báo tội phạm, đồng thời có chế độ thưởng đối với người tố giác tội phạm có giá trị để hành vi phạm tội bị ngăn ngừa trước khi xảy ra mới xử lý.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo pháp Luật Tp.HCM)

VỤ “SỔ ĐỎ ĐỂ TRONG NGÂN HÀNG… VẪN MẤT”: NGÂN HÀNG PHẢI BỒI THƯỜNG 2,6 TỈ ĐỒNG

11/05/2013 – 09:59

TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tuyên bản án dân sự sơ thẩm buộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (phòng giao dịch Tân Lập, thuộc chi nhánh thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) bồi thường cho gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hơn 2,6 tỉ đồng. Như đã thông tin, ngày 28-12-2009 gia đình bà Huệ (trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) có thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 800 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng.

Ngày 5-12-2010, khi sắp đến thời hạn trả nợ, vì làm ăn khó khăn nên gia đình bà Huệ làm hợp đồng bán nhà với giá 12 tỉ đồng. Điều kiện hợp đồng là bà Huệ nhận trước 2 tỉ đồng của bên mua để thanh toán gốc và lãi cho ngân hàng và lấy sổ đỏ giao cho bên mua trước ngày 20-12-2010, sau đó nhận 10 tỉ đồng còn lại. Nếu vi phạm hợp đồng, bà Huệ sẽ phải trả lại tiền cọc, đồng thời chịu phạt hợp đồng 2 tỉ đồng…

Tuy nhiên ngày 16-12-2010, bà Huệ đem tiền đến phòng giao dịch Tân Lập để trả gốc và lãi thì được ngân hàng thông báo sổ đỏ của gia đình bà đã bị thất lạc! Sau nhiều lần khiếu nại không được, bà Huệ làm đơn khởi kiện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN đòi bồi thường hơn 3,3 tỉ đồng.

Phía Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập cho rằng tài sản thế chấp của bà Nguyễn Thị Huệ không bị thất lạc mà vẫn nằm ở ngân hàng. Việc gia đình bà Huệ làm hợp đồng bán nhà, sau đó vi phạm hợp đồng phải bồi thường không phải trách nhiệm của ngân hàng… Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định ngày 16-12-2010, bà Huệ đưa tiền đến phòng giao dịch Tân Lập, lúc này lãnh đạo phòng giao dịch là ông Trần Đình Thanh cho biết sổ đỏ của bà Huệ và 11 khách hàng khác không còn trong ngân hàng.

Tiếp đó, ngày 25-12-2010, chi nhánh ngân hàng thị xã Buôn Hồ đã có công văn trả lời bà Huệ và xác định sổ đỏ của gia đình bà Huệ đã bị Võ Thị Hồng Điệp, cán bộ ngân hàng, lén đưa ra ngoài cầm cố vay tiền, tiêu xài cá nhân và hiện đang thất lạc. Ngày 19-5-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử bị cáo Võ Thị Hồng Điệp (Điệp bị tuyên phạt tù chung thân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) cũng xác định Điệp đã lấy nhiều tài sản thế chấp của khách hàng đi cầm cố vay tiền, trong đó có sổ đỏ của gia đình bà Huệ…

Hội đồng xét xử cũng nhận định việc thiệt hại của gia đình bà Huệ là thực tế và lỗi thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phòng giao dịch Tân Lập vì đã không bảo quản tài sản thế chấp của khách hàng theo quy định.

Theo TR.T. (TTO)

THUÊ NGƯỜI QUA MẶT CÔNG CHỨNG ĐỂ LỪA 5 TỈ ĐỒNG

(PL)- Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết vừa có kết luận điều tra và chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Mai Hữu Thành (ngụ quận Bình Thạnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Theo kết luận điều tra, Thành quen Nguyễn Việt Mỹ (ngụ quận 4). Thành nói đang nắm giữ một số giấy tờ nhà đất và cần tiền để đầu tư dự án nên nhờ Mỹ vay tiền. Qua trung gian, Mỹ được giới thiệu gặp Hồ Sỹ Ngọc Long (ngụ quận Gò Vấp). Mỹ giao ba bộ hồ sơ nhà đất của Thành cho ông Long để thế chấp cho ông L. và ông V. vay 5,1 tỉ đồng. Đến hạn, Thành không trả nợ, ông L. và ông V. tự tìm hiểu thì mới biết ba bộ hồ sơ nhà đất trên là giả nên trình báo công an.

Tại cơ quan điều tra, Thành khai ba bộ hồ sơ do một phụ nữ không rõ lai lịch cung cấp. Sau khi lừa chiếm đoạt 5,1 tỉ đồng, Thành trả tiền môi giới cho ông Long hơn 340 triệu đồng, đồng thời chia tiền cho đồng bọn và các đối tượng giúp sức. Để qua mặt công chứng, Thành gặp và bàn bạc với Hứa Mỹ Duyên (ngụ quận 11) nhờ Duyên đóng giả chủ sở hữu nhà đất rồi làm giả CMND, hộ khẩu dán ảnh của Duyên vào. Bằng thủ đoạn này, Thành và đồng bọn đã qua mặt công chứng viên để vay của ông L. 900 triệu đồng.

Với thủ đoạn trên, Thành nhờ hai người là ông Trịnh Như Văn và ông Trần Văn Sổ đóng giả chủ nhà đất để qua mặt công chứng viên. Đối với hồ sơ thứ ba mang tên Trần Văn Sổ ở huyện Hóc Môn, Thành thuê người đóng giả ông Sổ để làm thủ tục tại phòng công chứng.

Công an đã bắt giữ Hứa Mỹ Duyên. Đồng thời truy tìm Nguyễn Việt Mỹ cùng Trịnh Như Văn, Trần Văn Sổ, hai người đóng giả “chủ đất” để giúp sức cho việc lừa đảo của Thành.

TUYẾT KHUÊ

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

HIẾN ĐỊNH NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG

24/05/2013 – 06:25

Việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa nguyên tắc tranh tụng vào dự thảo đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia pháp luật.

Đây sẽ là nền móng quan trọng kéo theo hàng loạt thay đổi trong BLTTHS và các văn bản dưới luật khác trong thời gian tới.

Tại một hội thảo đóng góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp vừa diễn ra tại TP Vũng Tàu, chánh án TAND các tỉnh, thành khu vực phía Nam đều đồng tình rằng nếu nguyên tắc tranh tụng được Hiến pháp quy định thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong tố tụng hình sự.

Đúng tinh thần cải cách tư pháp

Theo Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre), trước đây khi soạn thảo BLTTHS 2003, nhiều ý kiến cho rằng nên ghi nhận nguyên tắc này để hoạt động tranh tụng tại tòa sôi nổi hơn và thực sự có chất lượng hơn. Nhưng đáng tiếc là cuối cùng nguyên tắc này đã không được các nhà làm luật ghi nhận. Nay Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa vào thì có thể coi đây là một cuộc cải cách lớn. Một khi đã hiến định nguyên tắc tranh tụng thì BLTTHS và các văn bản luật liên quan sẽ phải sửa đổi theo cho phù hợp. Nguyên tắc này sẽ làm cho nền tố tụng hình sự nước ta tiến bộ hơn và phù hợp với tinh thần của cải cách tư pháp.

Rất đồng tình, Thẩm phán Nguyễn Văn Cơ (Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng việc đổi mới này nhằm xây dựng tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn. Có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa sẽ giúp hội đồng xét xử có cơ sở để đưa ra phán quyết cuối cùng đúng người, đúng tội, không oan, sai.

Luật sư đang tranh luận với kiểm sát viên tại một phiên tòa lưu động ở quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD

Thẩm phán Nguyễn Thái Hiền (Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang) thì cho rằng tăng chất tranh tụng sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng mà không làm mất đi đặc trưng của mô hình tố tụng hiện có. Tranh tụng nâng chất xét xử, mà tòa xét xử tốt thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, bảo vệ sự ổn định của xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đúng thời điểm

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận xét việc hiến định nguyên tắc tranh tụng trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này là rất đúng thời điểm và mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ về mặt chủ trương thì các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nói từ lâu nhưng chuyển biến thực tế diễn ra khá chậm. Nếu được quy định trong Hiến pháp, hàng loạt các bộ luật, luật, văn bản dưới luật liên quan phải sửa đổi theo cho phù hợp và có giá trị thi hành bắt buộc với các chủ thể tiến hành tố tụng cũng như tham gia tố tụng.

Theo TS Hưng, về mặt pháp lý, nguyên tắc này tạo ra môi trường tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, văn hóa tranh tụng ngày càng tốt và hiệu quả hơn. Từ tòa, VKS cho đến luật sư, bị can, bị cáo đều thấy trách nhiệm của mình trong việc tranh luận để tìm ra bản chất vụ án. Về mặt xã hội, nó tạo ra sự dân chủ trong hoạt động xét xử, tăng niềm tin của người dân về chất lượng xét xử của tòa án.

Luật sư Nguyễn Hải Vân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Về bản chất, việc hiến định nguyên tắc tranh tụng đồng nghĩa với việc nâng cao quyền con người trong tố tụng hình sự. Đó là quyền được bào chữa, được đưa ra lý lẽ, chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ… một cách công khai, minh bạch của bị can, bị cáo. Nó sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật tố tụng, đảm bảo quyền lợi của công dân và làm giảm tiêu cực.

Tranh tụng không chỉ là đối đáp tại phiên tòa

Các bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước đây chỉ quy định “nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”. Tuy nhiên, bản dự thảo sửa đổi mới nhất đã có sự thay đổi lớn khi quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, việc tranh tụng không chỉ diễn ra tại phiên tòa mà rộng hơn, bao gồm cả ở các giai đoạn tố tụng khác. Quy định trong Hiến pháp nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là cơ sở hiến định cho việc quy định cụ thể nguyên tắc này trong các luật tố tụng. Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa như trên.

Một số điểm mới tiến bộ khác trong dự thảo

● Việc bắt, giam giữ người do luật định (khoản 2 Điều 22).

● Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 32).

● Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ đối với trẻ em (khoản 2 Điều 32).

● Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạ m (khoản 3 Điều 32).

● Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý (khoản 4 Điều 32).

● Tòa thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 107).

● Tòa có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… (khoản 3 Điều 107).

● Xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1, khoản 4 Điều 108).Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm (khoản 2 Điều 108).● TAND có thể xét xử kín trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ (khoản 3 Điều 108).

● Quyền bào chữa của bị can, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm (khoản 7 Điều 108).

● TAND Tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (khoản 3 Điều 109)…

THANH TÙNG

Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM

KHIẾU NẠI BỒI THƯỜNG: ĐƯỜNG CÒN XA LẮM!

29/05/2013 – 06:00

Suốt ba năm qua, có đến 37/63 tỉnh, thành trên cả nước chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những “điểm nóng” như Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Bình Dương… dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt hằng năm vẫn tăng cao.

Ngày 28-5, sơ kết ba năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ưu tư: “Chắc nhiều đồng chí “phấn khởi” lắm vì ba năm qua địa phương mình chưa bồi thường vụ nào. Nhưng như thế có phù hợp với tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo không? Tôi chắc còn xa lắm. Còn bồi thường cho dân, thương lượng rồi nhưng thủ tục quá rườm rà nên chậm chi trả. Lúc trước có gì mà anh em phải hăng hái kê biên hai tàu cá làm người ta gia đình tan nát? Giờ ngày nào bà ở Quảng Ngãi ấy cũng ra… trực cổng nhà tôi hỏi chừng nào có tiền bồi thường!”.

Những con số “phấn khởi”

Theo báo cáo, sau ba năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tính đến ngày 31-12-2012, cả nước mới thụ lý 182 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã giải quyết 137 vụ việc, chi trả bồi thường hơn 23 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực quản lý hành chính thụ lý 56 yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 41 vụ việc; lĩnh vực thi hành án dân sự thụ lý 27 vụ việc, đã giải quyết 11 vụ việc; lĩnh vực tố tụng thụ lý 99 vụ, đã giải quyết 85 vụ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: “Chưa tin được con số báo cáo bồi thường trong thi hành án dân sự trong ba năm chỉ có 5,4 tỉ đồng. Vừa rồi, TAND Đồng Nai tuyên một cơ quan thi hành án dân sự phải bồi thường gần 2,6 tỉ đồng, ngành thi hành án và Bộ Tư pháp đều giật mình. Tình hình yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất phức tạp, số tiền yêu cầu chi trả trong mỗi vụ việc cũng khá lớn”.

Con số đáng chú ý kế tiếp là trong suốt ba năm qua, có đến 37/63 tỉnh, thành trên cả nước chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những “điểm nóng” (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Bình Dương…) dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt về thu hồi đất hằng năm vẫn tăng cao. Có 18/21 bộ, cơ quan ngang bộ cũng không hề thụ lý được yêu cầu bồi thường nào. Riêng Bộ Công an thụ lý hai yêu cầu bồi thường và đã giải quyết chi trả 180 tỉ đồng.

Cha con ông Vũ Đức Liêm, người vừa được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bồi thường gần 2,6 tỉ đồng. Ảnh: NGÂN NGA

Trong 99 vụ việc thuộc trách nhiệm bồi thường của các cơ quan tố tụng chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự (91 vụ), còn trong tố tụng dân sự chỉ có tám vụ. Riêng ngành công an chỉ phát sinh một yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự. Thậm chí, ngành công an và ngành kiểm sát ở TP.HCM và Hà Nội trong ba năm qua cũng không phát sinh yêu cầu bồi thường nào.

Tại hội nghị, những con số “phấn khởi” trên đã gây nhiều băn khoăn không chỉ cho riêng Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị đã đặt dấu hỏi: Phải chăng cán bộ, công chức thực thi công vụ tốt nên không có thiệt hại, không có yêu cầu bồi thường? Vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo gay gắt nhưng người dân ít yêu cầu bồi thường?

Dân không biết về quyền đòi bồi thường

Kết quả khảo sát của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cho thấy: Trong lĩnh vực đất đai có 16% người dân không biết về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tỉ lệ này lên tới 20%.

Theo Cục trưởng Cục Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh, nhiều ý kiến phản ánh là hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến người dân còn hạn chế. Trên thực tế, có không ít trường hợp thuộc diện được bồi thường nhưng do không biết luật nên người dân không yêu cầu. Đến khi biết luật thì lại hết thời hiệu yêu cầu…

Mặt khác, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tuy có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 nhưng các văn bản hướng dẫn quan trọng thì gần hai năm sau mới ban hành nên chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, hiện trong 840 công chức làm công tác bồi thường, có đến 803 công chức kiêm nhiệm, chỉ có 37 công chức chuyên trách. Do đó, tính ổn định và chuyên sâu về nghiệp vụ chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động này.

Thủ tục quá rườm rà

Giải đáp lý do vì sao trong ba năm qua TP Hà Nội không thụ lý yêu cầu bồi thường nhà nước nào, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội trần tình: Thực tế, một số trường hợp khi phát hiện có sai phạm, làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước đã chủ động áp dụng nhiều hình thức tự thương lượng, thỏa thuận bồi thường, khắc phục hậu quả nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Chẳng hạn huyện Mỹ Đức khi phát hiện xác định bồi thường hỗ trợ cho đất sai, UBND huyện đã báo cáo đề nghị UBND TP cấp thêm 50 tỉ đồng để chi trả thêm nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Hoặc vụ bà Birgit Schauer (quốc tịch Đức) khởi kiện hành chính yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội hoàn thuế thu nhập cá nhân và bồi thường chi phí đi lại 50 triệu đồng, sau khi thương lượng, giải quyết thỏa đáng, bà Birgit đã rút đơn khởi kiện…

“Có làm sai, có làm trái pháp luật, có gây thiệt hại, nhất là trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại Hà Nội, luật sư cũng rất nhiều, vì sao người dân không mời luật sư đi đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước? Đó còn là vì thủ tục rườm rà nên người dân không lựa chọn cách ấy” – đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội thừa nhận.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng thủ tục đòi bồi thường nhà nước quá rườm rà, chưa phù hợp. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, trước tiên người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Như vậy là đặt thêm thủ tục cho người bị thiệt hại so với quy định của BLDS.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì đề nghị Bộ Tài chính xem lại thủ tục cấp phát kinh phí để bồi thường nhanh hơn. “Thủ tục hiện nay chậm quá. Thỏa thuận với dân được mức bồi thường rồi nhưng dân phải chờ nhận tiền lâu quá” – bộ trưởng nhấn mạnh.

Tháo gỡ “rào cản” cho người bị thiệt hại

Ngày 27-5, trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhận xét bất cập lớn nhất trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Đó là quy định phải có văn bản xác định hành vi trái phát luật của người thi hành công vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì điều kiện này mà người bị thiệt hại gặp khó khăn. Nhiều yêu cầu bồi thường chưa được thụ lý vì đang trong quá trình khiếu nại, chờ cơ quan có thẩm quyền ra văn bản xác định hành vi trái pháp luật. Do đó, cần sớm bỏ quy định này.

Lao đao đi tìm công lý

TAND tỉnh An Giang đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ ông Nguyễn Văm Thêm (Mười Thêm, ngụ khóm Long Hưng 2, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) kiện đòi Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bồi thường oan gần 4 tỉ đồng. Vụ việc được giao cho TAND thị xã Tân Châu giải quyết lại.

Theo TAND tỉnh, khoản 1 Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của luật này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Do vậy, trong trường hợp này, sau khi thương lượng đã hết 15 ngày, cơ quan Công an huyện Hồng Ngự không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì ông Thêm có quyền khởi kiện. TAND thị xã Tân Châu cho rằng chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật nên ông Thêm chưa đủ điều kiện khởi kiện rồi đình chỉ vụ án là không đúng quy định.

Theo hồ sơ, tháng 8-1990, TAND huyện Hồng Ngự xử phạt ông 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Tháng 9-1990, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Sau đó, công an huyện đã bỏ lửng vụ án. Mãi đến đầu năm 2010, cơ quan này mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm.

Sau hơn 20 năm đi tìm công lý, ông Thêm mới có được căn cứ chứng minh mình bị tù oan. Đến khi ông khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thì bị TAND thị xã Tân Châu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì không đủ điều kiện khởi kiện. Ông Thêm kháng cáo và gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Vừa qua, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định có đủ căn cứ bồi thường cho ông. Cùng lúc, TAND tỉnh An Giang cũng ra quyết định như trên…

BÌNH MINH

(Nguồn: Báo pháp luật)

TRUY CỨU ĐẾN CÙNG

06/06/2013 – 06:25

 Xử lý tội lạm dụng không được, cơ quan tố tụng bèn chuyển sang truy cứu tội lừa đảo, trong khi đây chỉ là quan hệ dân sự chậm trả tiền.

Chiều 3-6, Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) vừa kết thúc điều tra, đề nghị truy tố anh Đỗ Minh Tâm (xã An Cơ, huyện Châu Thành, Tây Ninh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là trước đây cơ quan điều tra từng đề nghị khởi tố Tâm về tội này nhưng đã bị VKS từ chối phê chuẩn. Tiếp đó, Tâm bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng rồi sau đó được đình chỉ.

Chậm trả tiền, bị tố cáo

Từ tháng 12-2005, anh Tâm làm tài xế xe tải cho ông Phạm Văn Hạnh. Công việc của anh là đi tìm mối bán củi cao su, trực tiếp thỏa thuận bán hàng và lái xe giao hàng rồi thu tiền về cho ông Hạnh. Anh liên hệ và bán 21 xe củi cho một công ty ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Khách hàng đã trả tiền 10 xe củi, hẹn sẽ trả  tiền 11 xe còn lại (hơn 13 triệu đồng) vào ngày 1-4-2006. Nhưng rồi sau đó ông Hạnh cho anh nghỉ việc do anh lái xe vi phạm bị công an phạt tiền. Đến ngày 1-4-2006, anh Tâm đến công ty bán củi nhận số tiền củi còn lại theo hẹn. Tuy nhiên, thay vì giao trả số tiền này cho ông Hạnh, anh Tâm lại đem tiền đi trả nợ riêng.

Biết chuyện, ông Hạnh đã tố cáo Tâm. Công an xã Định An (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, nơi Tâm đang cư trú) mời đến làm việc. Tâm đến công an hứa sẽ trả tiền cho ông Hạnh và để xe máy lại để đảm bảo việc trả nợ. Sau đó, ông Hạnh đồng ý cho Tâm khất nợ để đi làm phụ hồ kiếm tiền trả.

Năm 2008, Tâm và gia đình chuyển về huyện Châu Thành, Tây Ninh. Tháng 4-2010, anh đến nhà ông Hạnh trả 5 triệu đồng và xin khất một thời gian nữa sẽ trả hết số tiền còn lại. Ông Hạnh đồng ý.

Anh Đỗ Minh Tâm, người từng bị bắt giam, bị truy tố, xét xử rồi đình chỉ nhưng sau lại bị khởi tố tiếp tội khác với cùng một hành vi. Ảnh: PL

Bất ngờ, ngày 14-1-2011, Tâm bị Công an huyện Củ Chi khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngày 2-4 cùng năm, Tâm bị bắt giam theo lệnh truy nã, gần ba tháng sau thì được cho tại ngoại điều tra.

Ngày 7-4-2011, gia đình Tâm trả tiếp số tiền còn nợ cho ông Hạnh.

Chưa đủ cơ sở kết tội

Tháng 6-2011, TAND huyện Củ Chi đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, công tố viên hỏi: “Sau khi thỏa thuận trả nợ tại xã, bị cáo sống ở đâu?”. Tâm trả lời: “Gia đình chuyển về Tây Ninh, còn bị cáo vẫn ở Bình Dương làm hồ kiếm tiền trả nợ. Bị cáo thuê nhà trọ ở ngay gần nhà ông Hạnh. Ông Hạnh có số điện thoại của bị cáo và vẫn gọi đòi tiền”.

Ông Hạnh công nhận lời khai của Tâm là đúng. “Tháng 4-2010, Tâm đến trả tôi 5 triệu đồng, số còn lại xin trả dần, tôi đồng ý vì nó khổ quá rồi. Tôi nhớ trước khi nó bị bắt mấy ngày, tôi có gọi kêu nó trả tiền” – ông Hạnh trả lời tòa. Phía công ty mua củi không có mặt tại tòa nhưng có lời khai thừa nhận chỉ biết Tâm và giao dịch mua bán với Tâm.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, tòa quyết định trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở kết tội. Ngay sau đó, Tâm bị khởi tố tội lừa đảo nhưng VKS đã không phê chuẩn. Sau đó, theo yêu cầu của VKS, công an huyện đã điều tra bổ sung và ngày 4-11-2011 có kết luận nêu rõ: Sau khi nhận tiền 11 xe củi (hơn 13 triệu đồng), Tâm không mang giao cho ông Hạnh mà tiêu xài hết và đến Tây Ninh làm thuê kiếm tiền trả nợ. Đến tháng 4-2010, Tâm trả trước ông 5 triệu đồng. Ông Hạnh đồng ý cho Tâm trả dần số tiền còn lại. Hiện gia đình Tâm đã trả đủ nợ cho ông Hạnh.

Cùng ngày, vụ án được đình chỉ điều tra với lý do “hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến của tình hình không còn nguy hiểm”.

Đòi bồi thường oan, bị khởi tố tiếp

Sau khi được đình chỉ, Tâm gửi đơn khiếu nại khắp nơi, rằng mình bị oan chứ không phải “do chuyển biến tình hình”. Khiếu nại của anh Tâm chưa được giải quyết thì bất ngờ, hơn 16 tháng sau ngày đình chỉ điều tra, tháng 3-2013, Công an huyện Củ Chi lại khởi tố Tâm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do hành vi của Tâm không phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm (trích nguyên văn). Trái với lần trước, lần này VKS huyện lại phê chuẩn quyết định khởi tố tội danh mới này.

Mới đây, ngày 27-5, VKSND TP.HCM có văn bản trả lời đơn khiếu nại của anh Tâm. Theo đó, viện này cho biết đã hủy một số quyết định không đúng, trong đó có quyết định của VKS huyện giải quyết việc Tâm khiếu nại lý do đình chỉ do chuyển biến của tình hình, hành vi phạm tội không còn nguy hiểm. Ngoài ra, viện cho rằng vụ án chưa được điều tra toàn diện, vi phạm tố tụng và vẫn đang tiếp tục điều tra. Đến ngày 3-6 thì Công an huyện Củ Chi có kết luận điều tra như đã nói.

Lẽ ra vụ án đã khép lại…

Đỗ Minh Tâm đưa mắt nhìn ra phía thằng bé con đang chạy lăng xăng chơi ngoài sân. Ngày anh vướng vòng lao lý, vợ anh vừa sinh thằng nhóc này. Mẹ anh (62 tuổi) vừa phải chăm con dâu, vừa phải vay mượn tiền bà con lối xóm để thăm nuôi anh.

Ngồi kế bên, mẹ anh Tâm không kìm được nước mắt. Bà kể thằng Tâm của bà hồi nào giờ nghèo thì nghèo chớ chưa bao giờ lừa ai. “Nhiều bữa thấy người ta lỡ đường vơ vất trước nhà, nó còn kêu vào cho ăn cơm và cho ngủ lại nhà” – bà nói. Rồi bà kể mình phải mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 20 triệu đồng, lặn lội 80 cây số đi thăm nuôi khi Tâm bị giam. Khi vụ án được đình chỉ, tưởng yên, nào ngờ 16 tháng sau người ta lại khởi tố con bà tội lừa đảo. “Mỗi lần thằng Tâm nhận giấy triệu tập, cả nhà không ai làm được việc gì vì sợ nó lại bị bắt bỏ tù. Nó bỏ cả công việc cạo mủ thuê – nguồn sống duy nhất của cả nhà, đi xe buýt 80 cây số để đến công an lấy lời khai…”.

Từ ngày Tâm bị khởi tố, tình hình chẳng có gì thay đổi, các tình tiết vụ án cũng không thay đổi. Chỉ thời gian là trôi đi. Lẽ ra qua thời gian, sai phạm phải được quên dần để người ta xây dựng cuộc đời, yên tâm làm ăn. Vậy mà chỉ với hơn chục triệu đồng tiền củi chậm trả cho chủ, Tâm lại bị truy cứu đến cùng, bị làm cho nghiêm trọng hơn những gì nó vốn có.

Phải chăng để né bồi thường oan?!

Theo Điều 139 BLHS, yếu tố cấu thành tội lừa đảo là phải có ý định chiếm đoạt tài sản trước và bằng thủ đoạn gian dối để người khác tin và giao tài sản. Diễn biến vụ án bên cạnh cho thấy giữa anh Tâm và ông Hạnh có một giao kết thực hiện công việc. Theo đó, Tâm tìm mối mua củi, chở củi đi giao với giá mà ông Hạnh đưa ra. Ông Hạnh hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối trong việc giao củi cho anh Tâm. Hơn nữa, công việc này đã diễn ra liên tục trong vòng ba tháng.

Về quan hệ giữa anh và công ty mua củi, đó là thỏa thuận dân sự mua bán hàng hóa. Công ty nhận củi từ anh và trả tiền cho anh. Khi anh đặt bút ký tên nhận hơn 13 triệu đồng tiền củi, rõ ràng anh đã chịu trách nhiệm về số tiền mình tiếp nhận, không hề gian dối trong cuộc giao dịch với phía công ty. Như vậy không thể nói Tâm bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền mà công ty bán củi có nghĩa vụ trả.

Đáng lý nhận tiền rồi, anh phải mang giao lại ông Hạnh. Đằng nàygặp lúc khó khăn, anh dành trả nợ riêng. Hành vi này không cấu thành tội phạm hình sự bởi chỉ là một quan hệ dân sự chậm thanh toán tiền hàng (chiếm dụng vốn, chiếm dụng tiền hàng). Trong các quan hệ dân sự, yếu tố chiếm dụng này cũng rất nhiều…

Một yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội lừa đảo là phải có người bị hại, có thiệt hại xảy ra. Trong vụ án này, tất cả đều làm theo những thỏa thuận dân sự mà pháp luật không cấm, không có ai là người bị hại. Một khi không thỏa mãn yếu tố bắt buộc này thì sẽ không có vụ án lừa đảo.

Có thể nói lý do đình chỉ điều tra anh Tâm trước đây đã không ổn, lý do khởi tố bây giờ càng khó hiểu hơn. Rõ ràng trước đây tình hình không hề thay đổi, tình hình bây giờ cũng không có gì đổi thay. Chỉ còn có một loại “tình hình” khác, đó là nếu thừa nhận khởi tố oan thì sẽ phải bồi thường cho anh Tâm. Phải chăng vì vậy mà người ta mới phải truy cứu đến cùng?!

ThS PHAN ANH TUẤNTrưởng bộ môn Luật hình sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

(Nguồn: Báo Pháp luật Tp.HCM)

Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo về vụ “bán” visa

BỘ TƯ PHÁP MỸ RA THÔNG CÁO VỀ VỤ “BÁN” VISA

06/06/2013 03:00

Bộ Tư pháp Mỹ vừa chính thức đưa ra thông cáo về việc “Viên chức ngoại giao Mỹ bị cáo buộc âm mưu lừa gạt chính quyền, nhận hối lộ và gian lận visa lên đến hàng triệu USD”.

Theo đó, vào ngày 4.6, Công tố Ronald C.Machen Jr và Giám đốc Cục An ninh ngoại giao (Bộ Ngoại giao Mỹ) Gregory B.Starr thông báo viên chức ngoại giao nước này Michael Todd Sestak (41 tuổi) đã bị bắt với cáo buộc âm mưu lừa gạt nước Mỹ, âm mưu hối lộ và lừa đảo visa. Vốn dĩ, ông này đứng đầu bộ phận visa không di dân tại Phòng Lãnh sự thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM từ tháng 8.2010 – 9.2012.

Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo về vụ “bán” visa

Xếp hàng xin visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM – Ảnh: Trung Hiếu

Chiều 4.6, ông Sestak đã trình diện trước thẩm phán Deborah A.Robinson tại Tòa án liên bang Washington D.C. Trước đó, vào ngày 13.5, viên chức trên bị bắt tại California và bị tạm giữ không cho tại ngoại sau buổi tường trình tại Tòa án trung tâm California. Sau đó, Sestak bị chuyển đến Washington D.C, nơi đã tiếp nhận cáo trạng hình sự chống lại ông vào ngày 6.5. Thẩm phán dự thẩm Robinson phán quyết rằng Sestak tiếp tục bị tạm giữ trong khi những thủ tục tòa án được tiến hành.

Michael Todd Sestak nhận tội

Theo bản cáo trạng mà Thanh Niên nhận được tối 5.6, ông Michael Todd Sestak đã thừa nhận tham gia vào vụ “bán” visa và “các âm mưu rửa tiền”. Sestak khai “đã nhận ít nhất tổng cộng 3 triệu USD” từ phi vụ “bán” visa không di dân.

Theo hồ sơ cáo trạng do điều tra viên Simon Dinits, thuộc bộ phận mật vụ Bộ Ngoại giao Mỹ (DSS), thực hiện và nộp tại Tòa án Washington DC, Sestak và tòng phạm số 1 (người Mỹ gốc Việt, đang là tổng giám đốc chi nhánh VN của một công ty đa quốc gia) đóng vai trò chủ chốt trong việc sắp xếp các cuộc hẹn, thu tiền và chia chác với Sestak. Nếu bị kết tội, Sestak sẽ đối mặt với mức án 20 năm tù.

An Điền

Thông cáo Bộ Tư pháp Mỹ trích dẫn bằng chứng từ nhà chức trách cho biết từ hồi tháng 3.2012, Sestak bắt đầu nhận hối lộ để cấp visa sang Mỹ. Ông đã thông đồng với công dân Mỹ lẫn công dân Việt Nam để thiết lập đường dây bán visa. Các đồng phạm của Sestak tiếp xúc những khách hàng ở cả Việt Nam và Mỹ để mồi chài với lời hứa hẹn sẽ hoàn trả lại chi phí nếu không được cấp visa. Họ còn khẳng định có thể sẽ “giải quyết” được cho cả những người từng bị từ chối cấp visa vào Mỹ. Thậm chí, đường dây trên còn mồi chài bằng cách gợi ý những ai được cấp visa rồi có thể ở lại quá hạn và “biến mất” tại Mỹ. Ai đồng ý “mua visa” sẽ được sắp xếp để Sestak phỏng vấn tại Tổng lãnh sự quán Mỹ nhằm đảm bảo quá trình cấp visa được đảm bảo. Đổi lại, “giá bán” một visa như thế dao động từ 20.000 – 70.000 USD. Khoản tiền này được trả tại Việt Nam hoặc chuyển cho các đồng phạm của Sestak ở Mỹ. Nhờ đó, Sestak đã kiếm nhiều triệu USD rồi chuyển ra khỏi Việt Nam bằng các dịch vụ rửa tiền thông qua ngân hàng nước ngoài. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã thu giữ trên 2 triệu USD từ một tài khoản đầu tư của một đồng phạm tại Mỹ.

Cùng với Sestak, hai phụ nữ khác cũng bị cáo buộc tham gia đường dây trên. Đó là Võ Hồng (27 tuổi, công dân Mỹ) và Huỳnh Thanh Trúc (29 tuổi, công dân Việt Nam) đều bị cáo buộc đồng lõa với Sestak và nhiều người khác. Cụ thể, Võ Hồng bị cáo buộc là đã hỗ trợ mồi chài những người muốn có visa vào Mỹ. Huỳnh Thanh Trúc thì bị cáo buộc phụ trách tập hợp các giấy tờ cần thiết, thu tiền và cung cấp các câu hỏi lẫn phần trả lời mẫu cho “người mua”. Ngoài ra, Sestak còn bị cáo buộc cấp visa cho Huỳnh Thanh Trúc vào Mỹ. Võ Hồng đã bị bắt tại thành phố Denver (bang Colorado) và bị giam giữ tại đây trong khi chờ di lý đến Washington D.C. Huỳnh Thanh Trúc thì bị bắt vào ngày 3.6 và đã có mặt tại tòa vào ngày 4.6. Trúc cũng bị giam giữ không cho tại ngoại để chờ các thủ tục tòa án tiếp theo.

Hiện tại, theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, Cục An ninh ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và các trợ lý công tố viên Brenda J.Johnson, Mona N.Sahaf của Cơ quan an ninh quốc gia và Catherine K.Connelly của Cơ quan niêm phong tài sản và điều tra rửa tiền đang phối hợp điều tra vụ việc này.

Ngô Minh Trí

(Nguồn: Báo Thanh niên)

HƯỞNG ÁN TREO CÓ ĐƯỢC TIẾP TỤC LÀM VIỆC CŨ?

09/06/2013 – 07:25

Thời gian qua có nhiều người được tòa cho hưởng án treo và giao người bị kết án cho cơ quan, đơn vị cũ giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách nhưng cơ quan, đơn vị cũ nan giải trong việc sắp xếp, bố trí công việc cho họ như thế nào.

Điều này gây nhiều phiền toái không chỉ đối với người được hưởng án treo mà các cơ quan, tổ chức có người được tòa án cho hưởng án treo cũng lúng túng: Nếu bố trí, sắp xếp công việc cho người được hưởng án treo thì bị dư luận lên án, cho là “có vấn đề tiêu cực”, nếu để họ ngồi “chơi xơi nước” mà vẫn được hưởng lương thì “chướng” với nhiều người.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, trong thời gian thử thách, tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Nếu tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 30 và Điều 36 Bộ luật Hình sự, thì về nguyên tắc người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của mình.

Luật Thi hành án hình sự cũng như Nghị định số 61/2000 của Chính phủ việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo cũng quy định: Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ của cán bộ, công chức, quân nhân, người lao động làm công ăn lương theo công việc mà mình đảm nhiệm.

Pháp luật quy định thời gian thử thách, những hạn chế về quyền công dân của người được hưởng án treo, tuy không cấm nhưng cũng không quy định cụ thể trong thời gian thử thách người được hưởng án treo có được đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề “cũ” mà trước khi phạm tội họ đã đảm nhiệm.

Như vậy, không có quy định nào cấm người được hưởng án treo đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề trong thời gian thử thách. Nhưng trên thực tế, hầu như không cơ quan, tổ chức nào giao cho người được hưởng án treo làm việc như trước khi họ phạm tội, nhất là những người trước khi phạm tội họ giữ những chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, dù trong bản án, tòa án không cấm họ hành nghề hoặc giữ các chức vụ.

Thông thường khi bị khởi tố, người đang giữ chức vụ sẽ bị tạm đình chỉ chức vụ đang giữ để phục vụ cho công tác điều tra, trong thời gian đó, cơ quan phải bố trí người khác thay thế. Đến khi được tòa án cho hưởng án treo thì “cái ghế” của người bị kết án đã có người khác ngồi. Nhưng với những người chỉ làm các nghề như: kế toán, thủ kho, thủ quỹ, bảo vệ, lái xe… mà không cho họ làm công việc cũ thì làm sao đáp ứng yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách? Ví dụ: Một thủ quỹ do thiếu trách nhiệm nên để kẻ gian trộm cắp tiền quỹ trong két sắt, khi xét xử tòa án cho người này được hưởng án treo và không cấm hành nghề, thì cơ quan, đơn vị nên để họ tiếp tục làm thủ quỹ để họ được thử thách ngay trong quá trình làm thủ quỹ. Có như vậy mới phù hợp với yêu cầu, mục đích thử thách đối với họ. Không có sự thử thách nào có tác dụng bằng việc cho họ làm cái nghề mà họ đã bị kết án; họ sẽ có trách nhiệm hơn, chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật và nếu họ lơ là, chủ quan họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt (phải chấp hành hình phạt tù, mà tòa án cho họ được hưởng án treo)!

Sắp xếp để họ làm việc như cũ hoặc tạo điều kiện cho họ làm việc phù hợp với năng lực, chuyên môn của mình cũng tức là đạt được mục đích của việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo.

ĐINH VĂN QUẾ

(Nguồn: Báo pháp luật)