TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG – BÀI 3: NẶNG LÒNG VỚI ĐẢO XA

Ở Trường Sa không chỉ có người lính luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương mà còn có những con người âm thầm ngày đêm bám đảo, góp sức xây dựng Trường Sa ngày một khởi sắc.

Ở Trường Sa không chỉ có người lính luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương mà còn có những con người âm thầm ngày đêm bám đảo, góp sức xây dựng Trường Sa ngày một khởi sắc.

 

1. Giữa trưa, sóng ngoài đảo Trường Sa Lớn gầm gào, tung bọt trắng xóa, cả bầu trời trở nên xám xịt, mây đen vần vũ, báo hiệu một cơn bão sắp đổ bộ vào đảo. Trong lúc mọi người đang cố tìm cho mình nơi trú ẩn an toàn thì các cán bộ trẻ của Trạm Khí tượng Hải văn (KTHV) Trường Sa (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ) chạy ngược chạy xuôi đo đạc sức gió, lượng nước… Nhìn các anh vất vả lao đi trong gió lớn mới thấy thấm thía sự nhọc nhằn của những con người “bắt bệnh thời tiết” nơi đảo xa.  Cố bám theo Trạm trưởng Hoàng Văn Minh (26 tuổi, quê ở Hà Nội), chúng tôi mấy lần suýt bị gió xô ngã. Vừa đo quan trắc, Minh vừa kể trong tiếng gió rít: “Trạm được xây dựng từ năm 1977, là một trong 26 trạm phát báo quốc tế, cách đất liền xa nhất và được coi là “mắt báo bão” sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn của nước ta”. Từ đó đến nay, Trạm KTHV Trường Sa đã liên tục cung cấp kịp thời cho Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia những thông tin sớm nhất về các cơn bão trước khi đi vào biển Đông. Để có những thông số chính xác, các nhân viên trạm phải tiến hành đo và xử lý các thông số 8 lần/ngày và báo về trung tâm theo tần suất 3 giờ/lần, liên tục từ 1 giờ sáng đến 22 giờ đêm mỗi ngày. Trong tình huống có hiện tượng áp thấp nhiệt đới xuất hiện hoặc có bão thì số lần đo quan trắc của nhân viên ở trạm phải tăng lên với tần suất 30 phút/lần”.

Tiếng gió mỗi lúc càng rít mạnh, phải cố gắng lắm tôi mới nghe rõ từng lời Minh nói. Nhìn bàn tay của vị trạm trưởng trẻ tuổi thoăn thoắt ghi lại những thông số trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, tôi thật sự khâm phục các anh. Cả trạm có 7 cán bộ, nhân viên, lớn tuổi nhất là anh Võ Thanh Hải (30 tuổi, quê Bình Định), trẻ nhất là Nguyễn Tấn Trung (21 tuổi, quê Phú Yên). Ngoài công việc thu thập và truyền báo các dữ liệu để làm cơ sở dự báo thời tiết của trung tâm, các nhân viên của trạm còn tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống như trồng rau xanh, nuôi gia cầm…giống như các đơn vị quân đội đóng trên đảo Trường Sa Lớn. Điều thuận lợi là lương thực, thực phẩm của trạm được đơn vị hậu cần bộ đội trên đảo cung cấp nên anh em yên tâm công tác.

2. Trong những ngày ở Trường Sa, chúng tôi thường hay lân la ghé qua trạm xá trên các điểm đảo để trò chuyện với y, bác sĩ. Họ là những người lính mang hai sắc áo. Khi sẵn sàng chiến đấu, họ vẫn vững tay súng; khi có bệnh nhân, họ là những thầy thuốc tận tâm sẵn sàng cứu chữa. Huyện đảo Trường Sa hiện có hai trạm xá cấp 1 ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây với các bác sĩ chuyên khoa cùng trang thiết bị như: thiết bị khám cơ bản, siêu âm, điện tâm đồ, máy thở… Các điểm đảo còn lại đều có tổ quân y do y sĩ của Lữ đoàn 146 đảm trách, có thể thực hiện sơ cứu bệnh nhân ban đầu để sau đó chuyển đến trạm xá. Các trạm xá cấp 1 được tăng cường các bác sĩ từ các bệnh viện quân y với đội ngũ bổ sung đến 7 – 8 người/trạm như: Trạm xá Song Tử Tây có thầy thuốc Bệnh viện 108 (BV) tăng cường; đảo Trường Sa Lớn có các thầy thuốc của BV 175, đảo Nam Yết có các thầy thuốc của BV 103, đảo Sinh Tồn có các thầy thuốc của BV 354. Những thầy thuốc ở đây có thể mổ ruột thừa, điều trị chấn thương và một số bệnh nội, ngoại khoa…

Người lính trong áo blouse trắng dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều xứng danh “lương y như từ mẫu”. Trong một lần trò chuyện, đại úy Nghiêm Xuân Hoàn (bác sĩ BV 108) phấn khởi: “Nhờ được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nên việc điều trị bệnh nhân cấp cứu trên đảo gặp nhiều thuận lợi. Có lần, các y bác sĩ đã mổ thành công ca đau ruột thừa của thiếu úy Lê Ngọc Anh. Gần đây nhất, ông Trần Văn Xê (56 tuổi, tỉnh Phú Yên) được các ngư dân trên tàu đưa về trạm xá Song Tử Tây trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở khi đang đánh cá trên biển. Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhưng nhờ cứu chữa kịp thời của các y bác sĩ nên ông đã vượt qua cơn đau và đi biển trở lại. Hay trường hợp một người lính công binh đang thi công bị va đập, chấn thương sọ não cũng đã được cấp cứu, chữa trị thành công tại đây. Trạm xá trên xã đảo Song Tử Tây hiện có sự tăng cường của 2 bác sĩ, 5 y tá BV 108 và 1 y sĩ của Lữ đoàn 146. Trong năm vừa qua, trạm đã khám chữa bệnh và phát thuốc cho hơn 1.600 lượt bệnh nhân là quân, dân trên các đảo và cả ngư dân hành nghề trên biển”.

Cô giáo Bùi Thị Nhung, người bám trụ lâu năm ở huyện đảo Trường Sa.

Những người lính “áo trắng” Trường Sa trở thành “phao cứu sinh” cho bệnh nhân là những chiến sĩ, ngư dân gặp bệnh tật, tai nạn trong lúc đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt nhất là bà đỡ “mát tay” cho những cư dân ra đời trên đảo. Ngày 4-4-2011, thật sự là ngày đáng nhớ của mọi người trên đảo Trường Sa Lớn khi chứng kiến cư dân đầu tiên ra đời trên đảo nhờ ca phẫu thuật tại chỗ. Sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy (39 tuổi) mang thai ngồi ngang, nhau quấn cổ, u xơ tử cung, chuyển vào đất liền không kịp nên phải mổ gấp, trong khi bác sĩ ở các trạm xá ở quần đảo Trường Sa không có chuyên môn sản khoa. Vì vậy, bác sĩ sản khoa Hồ Xuân Lãng (BV Đa khoa Khánh Hòa) được tăng cường ra đảo để hỗ trợ kíp mổ. Ca mổ được nối đường truyền thông tin trực tiếp vào đất liền dưới sự theo dõi và hướng dẫn của các giáo sư bác sĩ BV 175 (Bộ Quốc phòng). Cư dân đầu tiên của đảo đã cất tiếng khóc đầu đời trong niềm vui sướng, hân hoan của kíp mổ, của người cha vừa đi biển về và của cả những người lính trên đảo. Hay ca sinh mổ của sản phụ Trương Thị Liền (ở đảo Song Tử Tây) với bé gái ra đời trên đảo được mang tên Hồ Song Tất Minh, trong đó “Song” là đảo Song Tử Tây, “Tất” là chữ lót tên bác sĩ Tất Cường (Phó Giám đốc BV 103)… Hôm gặp tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy bồng bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, không giấu nổi xúc động: “Hôm em sanh mổ ở đây, đảo trưởng đã động viên 4 chiến sĩ có cùng loại máu với  em túc trực để chuẩn bị cho máu…”. Nhìn nét mặt rạng ngời của chị Thúy, chúng tôi chợt hiểu rằng, nhờ có những người lính mang 2 sắc áo, các cư dân trên quần đảo Trường Sa luôn được đảm bảo về sức khỏe.

3. Ở Trường Sa, chúng tôi còn bắt gặp nhiều và rất nhiều những người mang tình yêu đảo xa, yêu quê hương đất nước đến cháy lòng. Trên quần đảo Trường Sa hiện có hai điểm trường tại xã Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa với những lớp học hết sức lạ so với đất liền vì mỗi lớp học chỉ có 4-5 học sinh với 4 bên tường là bảng đen phấn trắng vì mỗi em học một lớp khác nhau. “Thầy” dạy là những những cán bộ lãnh đạo của xã. Hôm chúng tôi đến đảo Song Tử Tây, thầy giáo Đoàn Quốc Thái (Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây) đang đứng lớp với 2 học sinh lớp 2 và lớp 3. Lớp học cũng được bố trí bàn ghế và bảng đen đầy đủ như lớp học ở đất liền. Theo anh Trần Vũ Lân, Phó Chủ tịch UBND xã, Song Tử Tây có 5 lớp học gồm mẫu giáo đến lớp 4. “Thầy giáo” ở đây là những cán bộ lãnh đạo xã kiêm nhiệm nhưng đã tham gia những khóa tập huấn chương trình giảng dạy học sinh tiểu học theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Thầy giáo ở đây không chỉ dạy các em trên lớp mà còn đến tận nhà để phụ đạo khi cần thiết”, anh Lân cho biết thêm. Hôm chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Liễu (xã Song Tử Tây), chị đã không giấu nổi tự hào khi khoe tấm giấy khen học sinh giỏi năm học 2010-2011 của con gái Phan Thị Thu Huyền (10 tuổi), đang học lớp 4.

Thị trấn Trường Sa có 4 lớp học là mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 4 (không có lớp 3 vì không có học sinh trong độ tuổi này). Mặc dù số học sinh không nhiều nhưng các em đều được đi học đúng độ tuổi, đúng chương trình. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Biện Văn Quảng kiêm “thầy giáo”, ngoài cô giáo phụ trách Bùi Thị Nhung, còn lại là các “thầy” Lê Minh Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn; “thầy” Phạm Gia Huy, Bí thư Đoàn thị trấn Trường Sa. Bên cạnh chương trình giáo dục theo chuẩn, học sinh ở đây còn được học thêm môn tin học, họa, nhạc. Được biết, do ở đảo  không có hội đồng thi tốt nghiệp tiểu học nên các em phải vào đất liền học lớp 5 và thi chuyển cấp. Sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô được đền đáp xứng đáng khi có gần 100% học sinh đều đạt loại khá, giỏi nhiều năm liền.

Cuộc sống mới đã và đang nảy mầm, bén rễ tươi tốt trên thị trấn Trường Sa và các xã đảo được minh chứng qua những thế hệ công dân mới được sinh ra và đang lớn lên tại đây. Những em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không đơn thuần là quy luật sinh tồn mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của các thế hệ người Việt trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo định hướng của UBND tỉnh Khánh Hòa, thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) được xây dựng thành trung tâm kinh tế – xã hội đặc biệt trên huyện đảo. Theo đó, các xã và thị trấn của huyện đảo nằm ở cực Đông của Tổ quốc đã quy hoạch và xây dựng làng quân nhân, làng lập nghiệp. Quần đảo Trường Sa sẽ hình thành 4 cảng cá, bao gồm: cảng cá kết hợp khu trú bão trên đảo Đá Tây, cảng cá đảo Trường Sa, cảng cá đảo Song Tử Tây và cảng cá đảo Nam Yết với tổng sản lượng thủy sản qua 4 cảng này là 22.000 tấn/năm. Nơi đây sẽ có cả điện công nghiệp để sơ chế biến hải sản xuất khẩu chứ không đơn thuần chỉ điện phục vụ sinh hoạt như hiện nay.

Trần Minh Trường

(theo Sai Gon Giai Phong)

TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG – BÀI 2: KIÊN CƯỜNG ĐẢO CHÌM

Bốn bề sóng biển, bốn bề gió rít, những vườn rau di động… là tất cả những gì chúng tôi hình dung về đảo chìm ở Trường Sa qua sách vở và phim ảnh. “Đảo nhỏ quá nói một câu là hết…” – trong lần đầu tiên đặt chân đến đảo chìm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thảng thốt kêu lên. Tuy nhiên, câu chuyện về những người đang canh giữ vùng đất xa xôi của Tổ quốc trong điều kiện khắc nghiệt của sóng, gió biển Đông là vô tận.

Bốn bề sóng biển, bốn bề gió rít, những vườn rau di động… là tất cả những gì chúng tôi hình dung về đảo chìm ở Trường Sa qua sách vở và phim ảnh. “Đảo nhỏ quá nói một câu là hết…” – trong lần đầu tiên đặt chân đến đảo chìm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thảng thốt kêu lên. Tuy nhiên, câu chuyện về những người đang canh giữ vùng đất xa xôi của Tổ quốc trong điều kiện khắc nghiệt của sóng, gió biển Đông là vô tận.

Một góc Trường Sa Lớn.

1. “Chỉ lính đảo xa mới hát với đàn ghita một dây” – trong tác phẩm nổi tiếng “Đảo chìm’ của Trần Đăng Khoa, ông chưa miêu tả hình ảnh này. Sau 2 giờ xoay mòng với xuồng HQ 1196, từ tàu TS22 chúng tôi đã có mặt ở đảo Thuyền Chài. Khác biệt với đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết…, tại hầu hết các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa đời sống, sinh hoạt khá vất vả.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Lữ đoàn phó 146, cho biết trên những đảo nổi dù được quân dân cả nước vun đắp, sẻ chia nhưng hành trình bám đảo của người lính nơi đó cũng còn gặp nhiều khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, thiếu rau xanh, thiếu phương tiện giải trí. Thế nhưng những đồng đội đang làm nhiệm vụ tại các đảo chìm lại càng vất vả không kể xiết, thậm chí cây đàn ghita chỉ còn một dây nhưng lính đảo vẫn đàn hát trong giờ giải lao để khuây khỏa nỗi nhớ đất liền.

Lính đảo chìm hàng năm trời bám đảo không về đất liền, không gặp người thân. Hàng tháng trời “đói” rau, thèm thịt tươi, “khát” tiếng nói từ đất liền. Ở các đảo chìm Len Đao, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, Đá Lớn, Thuyền Chài… cái gì cũng thiếu. Khi nước triều lên, thềm san hô ở các đảo chìm chìm trong biển nước mênh mông, “mái nhà” của những người lính đảo cũng vì thế mà bị sóng nước trùng dương bao vây tứ bề. Ở lô cốt giữa ngàn khơi với không gian nhỏ hẹp như thế, lính đảo chìm khó có thể trồng được cây xanh để chắn gió, che bóng mát hay nuôi trồng như đồng đội ở đảo nổi.

Tại các đảo chìm khác như Núi Le B, Đá Tây C, Tốc Tan C, Đá Nam… bên cạnh nỗi lo “đói nước ngọt”, người lính ở đây còn phải đối mặt với nỗi niềm ngán cá, thèm thịt tươi, thèm rau xanh, thèm nghe tiếng gà gáy và cả nhịp điệu của cuộc sống nơi đất liền. Còn nhớ bữa cơm chiều đãi khách trên đảo Đá Lát, khi ngồi cạnh thiếu tá Tạ Quang Hải, Chính trị viên đảo, tôi đã gắp cho anh miếng cá biển tươi ngon, anh mỉm cười nhỏ nhẹ: “Gắp cho mình miếng thịt heo đi, 6 tháng rồi chưa nhìn thấy thịt tươi đấy”.

Thiếu tá Đinh Văn Núi, Đảo trưởng đảo Đá Lát, tâm tình: “Trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng gió và mặt trời, đặc biệt là trạm phát sóng điện thoại Viettel thì cuộc sống sinh hoạt của anh em lính đảo khổ về mọi mặt. Sách báo, thư từ có khi 4-5 tháng mới đến tay lính đảo. Dạo đó, cứ khoảng 6 giờ chiều là anh em sinh hoạt, làm nhiệm vụ trong ánh đèn tù mù, đêm dài trôi qua không ti vi chừng như càng dài thêm…”.

Theo binh nghiệp, đã là người lính Trường Sa thì dù là chỉ huy hay cấp dưới, ai nấy đều có những khoảng thời gian dài bám sóng gió ở các đảo nổi, đảo chìm để thay phiên, chia sẻ những gian truân, khó nhọc với nhau. Trò chuyện với những người lính đảo chìm, chúng tôi được nghe, được biết nhiều chuyện cảm động đầy chất lính. Làm sao có thể nêu hết, kể hết những gian khó mà người lính ở các đảo chìm phải đối mặt trong quá trình bám biển.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở những người lính đảo chìm là khi đề cập đến những gian khó ấy, các anh cười tươi, không thở than mà chỉ sẻ chia, tâm tình, chấp nhận và đối mặt. Thế mới biết không có sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã các anh, những người lính Trường Sa ở các đảo nổi, đảo chìm, những người lính đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát bỏng… luôn bỏng cháy tình yêu đất nước và khát vọng cống hiến cho biển đảo quê hương.

2. Nước ngọt là vàng – đó là câu khẩu hiệu trên vách tường mà ngay từ khi đặt chân lên đảo, khách đất liền đã nhìn thấy. Màn chào hỏi nhau giữa lính đảo chìm và khách bằng… nước ngọt mới thấy xúc động làm sao. Trên đảo, những chậu nước mưa trong vắt và khăn mặt đã được chuẩn bị sẵn. Sau một hồi “hứng” trọn hàng trăm con sóng hắt nước mặn lên người, chúng tôi cảm thấy khoan khoái khi được vốc từng vốc nước ngọt khoát lên đầu, lên mặt. Nước ngọt khan hiếm như vậy nên muốn trồng rau phải dời vườn rau đến chỗ tránh sóng và gió biển, đồng thời phải che chắn cẩn thận.

Khổ nhất là biển động hay áp thấp nhiệt đới, sóng biển tung bọt nước mặn lên tận nóc nhà đảo chìm là rau cứ rũ ra, lính đảo phải thức khuya canh sóng và ôm vườn rau của mình chạy vòng vòng quanh đảo. “Trong tháng vừa qua, cả đảo chăm sóc một vườn rau mọc được một tuần thì bị sóng to hất nước mặn lên, nhìn những cây rau xanh cứ rụi dần dần mà anh em trên đảo rớt nước mắt! Xót xa lắm anh ạ!”, thiếu úy Nguyễn Hữu Có (đảo Đá Lát) chia sẻ.

Đối với nước ngọt, bộ đội sẽ tận dụng các phương tiện sẵn có để trữ nước mưa và dè sẻn khi sinh hoạt. Lúc khó khăn, bộ đội tắm và giặt bằng nước biển, sau đó xả lại bằng nước ngọt; nước ngọt này dùng để tưới rau tăng gia sản xuất. Để cải thiện đời sống, bộ đội trên đảo còn nuôi thêm chó, vịt và tăng cường đánh bắt cá biển, ốc biển cho bữa ăn thêm đa dạng. Cá biển ở các đảo chìm rất nhiều loại: cá mú, cá tráp, cá bò… được bộ đội xẻ phơi khô, kho mặn hoặc bỏ tủ lạnh để ăn dần.

Có lẽ nhờ vậy mà bộ đội trên các đảo chìm đều rắn chắc, khỏe mạnh, hầu như quanh năm không có bệnh tật. Vào mùa này, cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm có sáng kiến là ủ giá sống và rau mầm từ hạt cải củ để thay thế rau xanh.

Bộ đội Trường Sa trồng rau trên đảo. Ảnh: T.M.T.

Ngoài nhiệm vụ, bộ đội ở các đảo chìm còn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển quê hương. Chính vì vậy, các đảo chìm trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân giữa biển khơi. Thuyền bè của bà con ngư dân ta ra đánh cá, khai thác hải sản đều được lính đảo chìm tạo điều kiện và hỗ trợ thuận lợi nhất.

“Có khi chỉ là ít nước ngọt, gạo, dầu chạy máy hoặc sơ cấp cứu tai nạn lao động trên biển nhưng đảo chìm luôn là nơi tìm đến của bà con ngư dân mỗi khi gặp khó khăn”, thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Những đảo chìm như Đá Tây, Tiên Nữ… nhờ cấu tạo địa chất có “hồ lớn”, ít sóng gió hơn thường được bà con ngư dân tìm về neo đậu mỗi khi biển động. Đảo Đá Tây là địa chỉ tin cậy có tiếng với khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Bà con ngư dân khi đến đây được cung cấp nước ngọt miễn phí cũng như các dịch vụ cung ứng nhiên liệu theo đúng giá nhà nước quy định tại đất liền, sửa chữa tàu thuyền miễn phí; cung ứng lương thực, thực phẩm bằng giá mua tại đất liền; trao đổi, mua bán và nhận vận chuyển sản phẩm về đất liền theo giá thỏa thuận…

3. “Sóng, trăm ngàn con sóng mới vỗ được vào bờ”, mới nghe câu hát này, chúng tôi không sao hình dung ra được. Mãi đến khi leo lên tháp hải đăng ở An Bang, nhìn trăm ngàn con sóng bạc đầu xoay tròn quanh đảo nhỏ, mới hiểu như thế nào là sóng gió đảo xa. An Bang là đảo ở cực Nam quần đảo Trường Sa, cũng là cực Nam của Tổ quốc, vì so với mũi Cà Mau, An Bang còn thấp hơn gần 1 độ. Từ xa nhìn trông đảo giống như một quả nấm nhấp nhô giữa trùng khơi. Do đó, dù là đảo nổi nhưng sinh hoạt và cuộc sống trên An Bang không khác gì đảo chìm.

An Bang có thềm san hô hẹp, sóng gió “dữ dội” hơn những đảo khác nên việc vào, ra vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thế nên cánh lính trẻ còn gọi tên khác nghe ngồ ngộ: “đảo Lò Vôi”. An Bang còn có một tên gọi khác nữa là đảo Đồng Hồ, vì dưới chân đảo thường nổi lên bãi cát nhỏ di chuyển theo mùa chạy vòng quanh đảo. Theo chu kỳ (mùa gió) bãi cát này sẽ xoay vòng. Xoay hết đảo là tròn năm.

Khi tàu TS 22 thả neo, thượng tá Nguyễn Hồng Quân căn dặn: “Quanh đảo An Bang sóng cuồn cuộn có thể cuốn phăng mọi thứ. Các đồng chí lưu ý mang áo phao, gói ghém đồ đạc cẩn thận. Chốc nữa sẽ có “đội cảm tử” dẫn đoàn lên đảo!” “Đội cảm tử” đảo An Bang gồm những chiến sĩ “thiện chiến” về bơi lội, chịu trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa. Việc bơi ra bắt dây, kéo xuồng lên bờ hoặc đẩy xuồng xuống biển về lại tàu lớn, đòi hỏi các thành viên “đội cảm tử” biết chớp thời cơ qua từng con sóng để thực thi nhiệm vụ nhằm tránh gặp rủi ro.

Lúc thủy thủ tàu TS 22 chuẩn bị hạ xuồng bỗng nhiên từng con sóng lớn hung hãn ập tới. Sóng thét gào, xô đẩy nhau từ phía trước, phía sau, bên phải, bên trái tại các điểm tiếp đảo. Chính trị viên tàu, thượng úy Trần Văn Huy trấn an: “Bão tố ở đảo An Bang là chuyện “như cơm bữa”. Mọi người bình tĩnh, sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu!”. “Phải hơn nửa giờ sau sóng mới tạm yên. Chúng tôi được “đội cảm tử” vất vả “áp tải” lên đảo trong tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Trung tá Vũ Minh Thân, Chỉ huy trưởng đảo An Bang ra tận mép nước đón từng người lên đảo. Câu chuyện giữa chủ và khách ngày càng thắm thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác rèn luyện sức khỏe và tạo ra những phút giây thư giãn bổ ích, ngày nghỉ, giờ nghỉ bộ đội và nhân viên trạm hải đăng tổ chức thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…

Trên đảo còn có “tiền lệ” chiến sĩ “kéo co” với những chú cẩu hay “chạy thi” với các chú heo. Các “trận đấu” thú vị ấy giữa người và vật nuôi không những tạo nên tiếng cười sảng khoái mà còn tạo cảm giác gần gũi với đất liền…

Trần Minh Trường

(theo Sai Gon Giai Phong)

TỔ QUỐC NƠI ĐẦU SÓNG. BÀI 1: LÀNG QUÊ GIỮA BIỂN

Khi cái chấm nhỏ màu xanh dần hiện lên trên mặt biển bình yên buổi sớm mai, tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu và hét vang: “Trường Sa kìa!”, bao mệt nhọc của những ngày đêm vật lộn với sóng biển đều tan biến. Vậy là tôi đã đến Trường Sa, nơi Tổ quốc bắt đầu từ phía biển, nơi bao người mong đặt chân đến một lần…

Khi cái chấm nhỏ màu xanh dần hiện lên trên mặt biển bình yên buổi sớm mai, tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu và hét vang: “Trường Sa kìa!”, bao mệt nhọc của những ngày đêm vật lộn với sóng biển đều tan biến. Vậy là tôi đã đến Trường Sa, nơi Tổ quốc bắt đầu từ phía biển, nơi bao người mong đặt chân đến một lần…

1. Tiếng reo hò khi tàu Trường Sa 22 hú vang 3 hồi còi cập cảng vẫn mãi không dứt. Tiếng người gọi nhau í ới hòa lẫn tiếng gió rít và tiếng sóng biển ì ầm. Các chàng lính mới ra đảo xốc lại quân trang. Ngoài ba lô, vật dụng cần thiết, có người còn mang ra đảo một cặp bồ câu. Cảm giác hồi hộp, chộn rộn, mừng vui thật khó tả với những ai lần đầu tiên ra Trường Sa. Gặp ai cũng chào, gặp ai cũng cười, xen lẫn với những giọt nước mắt xúc động khi được đặt bàn chân mình lên đảo xa – vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Khác với những gì hình dung ban đầu, từ cầu cảng, lọt vào tầm mắt là một thị tứ khang trang; ngút ngàn xanh ngắt những tán bàng vuông, cây tra, cây phong ba, cây bão táp. Những con đường bê tông chạy dài tít tắp, nhà cửa được xây dựng bài bản, quy mô.

Đón khách đất liền ở cầu cảng, anh Nguyễn Quốc Thiện, cán bộ UBND thị trấn Trường Sa hồ hởi: “Trường Sa nay đã khác lắm rồi. Những năm về trước, hòn đảo này chỉ trơ trọi với cát và đá. Cây cối sống trên đảo cũng còi cọc theo những tháng ngày gió muối triền miên. Còn giờ này, cả quần đảo đâu đâu cũng có sự hiện hữu của cây xanh”. Nói đến đây, ánh mắt của chàng trai trẻ quê ở Nha Trang tình nguyện ra công tác ở Trường Sa chợt ánh lên niềm tự hào khôn tả.

Được mệnh danh là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, pháo đài thép giữa biển Đông, đảo Trường Sa Lớn sừng sững kiên trung suốt bốn mùa sóng vỗ. Đảo Trường Sa Lớn ngoài cầu cảng, sân bay, còn có trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá… rất thuận tiện cho những con tàu đánh bắt hải sản xa bờ chọn làm điểm dừng chân, thu hút ngư dân đến khai thác hải sản.

Ít ai biết được và cũng chẳng ai ngờ tới bao quanh đảo là biển mặn nhưng trên đảo lại có nguồn nước ngọt quanh năm. Trung tá Trịnh Văn Long, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết đảo có gần chục giếng nước ngọt, nhờ nguồn nước trời cho này mà quân dân trên đảo có thể nuôi trồng tăng gia sản xuất, gây dựng đàn heo, gà vịt… đủ để đảm bảo cuộc sống, nuôi quân.

Sức sống tươi mát, diệu kỳ ở Trường Sa vẫn chưa dừng lại ở đó. Đảo xa rợp bóng chim trời như cò, khứu, vạc, sáo, chim cắt, chim sẻ, chim sâu… Những loài chim hoang dã này khá dạn dĩ, sống hòa hợp, bình yên với đàn gia súc cũng như quân dân đảo xa. Các loài chim cò thường sống ở vùng đất trũng, nơi có đồng lúa, sông suối lắm thức ăn, cớ sao chúng lại chọn đảo xa khắc nghiệt làm chốn dừng chân?

Đảo trưởng Đinh Văn Hải bật mí đấy là những “thành viên” còn sót lại của những đàn chim di cư. Khi bay sang địa phận đảo, chúng không đủ sức theo đàn nên đáp xuống. Với tâm niệm đất lành chim đậu, lãnh đạo đảo đã nghiêm cấm việc săn bắt, sát hại chim trời. Và sau một thời gian “quá cảnh”, đàn chim tung cánh bay về đất liền, khi ấy Trường Sa lại tiếp tục đón những “cư dân” chim cò mới!

Các cháu thiếu nhi – thế hệ tương lai trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: T.M.T

2. Đêm Trường Sa, nếu không có tiếng sóng vỗ rì rầm quanh đảo, có lẽ chúng tôi đã tưởng đang ở tại nhà mình. Đến đảo, chúng tôi được bố trí nghỉ tại Nhà khách Thủ đô (món quà của Thủ đô Hà Nội xây tặng đảo Trường Sa Lớn). Cảm giác thật dễ chịu và khoan khoái sau những ngày lênh đênh trên biển. Chẳng hiểu vì sao chúng tôi không ngủ được, dù ở trong nệm ấm, chăn êm. Chắc có lẽ do chưa quen với tiếng sóng ở đảo, hay day dứt, trăn trở, nghĩ suy về vùng biển xa của Tổ quốc với bao người ngày đêm miệt mài giữ từng tấc đất quê hương.
Lần theo tiếng sóng vỗ, tôi cùng các đồng nghiệp ra cầu cảng Trường Sa. Trong ánh điện lung linh, chúng tôi gặp tổ tuần tra của Thiếu úy Nguyễn Hữa Hà, chiến sĩ Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Hoàng Bình Kiên. Các anh tâm sự: “Từ khi đảo được trang bị hệ thống năng lượng sạch, hệ thống đèn chiếu sáng đã góp phần đắc lực cùng các lực lượng bảo vệ để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.

Từ khi đảo có điện, đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa được cải thiện rệt. Hàng tuần, các tiết mục karaoke vào những ngày nghỉ đều được anh em “tận dụng” một cách tối đa. Chợt nhớ 5 năm trước, trong một phóng sự truyền hình mà tôi đã xem, các chiến sĩ Trường Sa ngày ấy phải cầm đèn pin đi tuần, càng thấy rõ hiện đại hóa các đảo là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, gắn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo với sự nghiệp của toàn dân.

Càng thấm thía lời tâm sự của Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chỉ huy phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác: “Sự quan tâm, chia sẻ của đất liền đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió sẽ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho họ trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng và giao phó”.

3. Buổi sáng ở Trường Sa mặt trời lên rất sớm. Xen lẫn tiếng gà gáy gọi bình minh là tiếng đàn heo ủn ỉn. Ngày mới bắt đầu với đàn em thơ cắp sách tới trường và tiếng giảng bài của cô giáo xen lẫn với tiếng sóng biển.

Men theo những con đường có tên Thanh Niên cụm 1, Chi đoàn cụm 2, Bàng Vuông, Cây Tra, chúng tôi đi thăm đảo. Các công trình xây dựng đang đua nhau mọc lên, những căn nhà nối dài làm tôn thêm vẻ đẹp của đảo. Mặc dù đã được giới thiệu trước, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt căn nhà ngói đỏ, được xây theo dạng biệt thự, mang đậm phong cách Việt. Anh Nguyễn Tấn Thi, một cư dân ở đảo cho biết: “Lúc mới ra đảo lập nghiệp cũng buồn, nhưng ở lâu rồi thành quen. Giờ này trên đảo cũng đã có nhiều thứ như trong đất liền rồi nên không có gì phải lo lắng”.

Ghé vào thăm nhà anh Nguyễn Đình Phương, chủ nhà hồ hởi đón tiếp. Sau những cái bắt tay, những lời chào hỏi thân mật, anh đã tự hào nói về cuộc sống nơi đây: “Tất cả những cư dân trên đảo đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đều có ti vi, tủ lạnh, con cái được học hành đàng hoàng”.

Có người từng ví von khu dân cư ở thị trấn Trường Sa với một khu phố nào đó trong đất liền. Mới nghe tưởng nói quá, nhưng đó là sự thật. Người lớn được sống trong “nhà cao, cửa rộng” còn trẻ nhỏ ngày vẫn cắp sách đến trường.

 

Một lớp học trên đảo Song Tử Tây.

Làng lập nghiệp hiền hòa như ở những làng biển truyền thống ở đất liền. Các chị phụ nữ sau thời gian làm việc cho các cơ quan, đơn vị trên thị trấn trở về nhà bắt tay vào lo buổi cơm cho gia đình hoặc chăm sóc vườn rau, đàn gà, vịt. Đàn ông sau giờ làm việc thì đi đánh cá, bắt ốc. Trường học trên đảo khang trang chẳng kém ở đất liền. Trường có 4 lớp học ở hai bậc học (mầm non và tiểu học) với 8 học sinh, trong đó một em học lớp 5, một em học mẫu giáo, lớp 2, 3 mỗi lớp đều có 2 học sinh.

Cô giáo dạy các lớp học này là chị Bùi Thị Nhung, người tình nguyện xin ra thị trấn xa xôi sau khi biết thông tin ngoài Trường Sa cần tuyển giáo viên. Hai vợ chồng cùng hai con (có bé trai hơn 6 tháng tuổi) khi ra đây đã được chính quyền thị trấn hỗ trợ cất tặng căn nhà như một món quà và tình cảm trên đảo tặng cho cô giáo.

Khi những tia nắng cuối ngày trên đảo đã tắt, mặt trời như quả cầu đỏ lựng chìm dần xuống mép biển, tiếng chuông chùa trên đảo bỗng ngân vang, từng đàn chim bay về tổ. Đang ngồi cùng anh em kể chuyện bám đảo những ngày gian khó, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân bỗng nhìn cánh chim trời và thốt lên: “Trường Sa ơi, quá đỗi thanh bình! Ước gì khoảnh khắc này là mãi mãi!”.

Có lẽ, đó không chỉ là niềm mong ước của riêng Thượng tá Quân, người lính từng dạn dày trận mạc giữa biển khơi Tổ quốc, mà còn là niềm mong ước của bao người con đất Việt.

Quần đảo Trường Sa hiện có nhiều công trình mang ý nghĩa văn hóa tâm linh giúp người lính đảo và người dân cảm thấy gần gũi với đất liền. Đó là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và chùa chiền.

Các ngôi chùa ở Trường Sa chủ yếu xây dựng theo phong cách truyền thống với kết cấu một gian, hai chái. Mái chùa cong vút lên nền trời. Chùa được làm bằng các loại gỗ quý hiếm từ Nghệ An, Thanh Hóa. Đáng chú ý, chánh điện của ngôi chùa nào cũng hướng về thủ đô Hà Nội. Điều đó nói lên tấm lòng người dân đất Việt từ bao đời nay vẫn luôn hướng về nguồn cội. Thế nên, bất cứ ai đặt chân tới những ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều có chung một cảm giác bình yên, thánh thiện và ấm áp như ở đất liền. Những ngôi chùa tĩnh lặng giữa trùng khơi là bằng chứng có giá trị về bản sắc văn hóa, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.

TRẦN MINH TRƯỜNG

(theo Sai Gon Giai Phong)

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM- KỲ CUỐI: “THOÁT Y” ÁN

TT – Phàm làm người chẳng ai muốn mình thoát y giữa thanh thiên bạch nhật, trước con mắt của bàn dân thiên hạ bao giờ, trừ khi gặp phải “tai nạn” bất đắc dĩ. Nhưng hi hữu vẫn có những tình huống người ta đã “cởi”.Hai vụ án cởi đồ dưới đây có nguyên nhân khác nhau nên hậu quả cũng khác nhau.Cởi đồ và phạm tội

 

TT – Phàm làm người chẳng ai muốn mình thoát y giữa thanh thiên bạch nhật, trước con mắt của bàn dân thiên hạ bao giờ, trừ khi gặp phải “tai nạn” bất đắc dĩ. Nhưng hi hữu vẫn có những tình huống người ta đã “cởi”.

Hai vụ án cởi đồ dưới đây có nguyên nhân khác nhau nên hậu quả cũng khác nhau.

Cởi đồ và phạm tội

Bà N.T.X.H. là đương sự trong một vụ tranh chấp. Năm 2004 bà bị tòa xử thua, buộc phải thanh toán số tiền hơn 53 triệu đồng. Bản án này được ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự quận 11, TP.HCM thi hành. Tháng 7-2004, cơ quan thi hành án ra quyết định buộc bà H. phải chấp hành bản án đã có hiệu lực.

Sau nhiều lần được giải thích, thuyết phục và hẹn lên hẹn xuống, mãi ba năm sau (tháng 5-2007) bà H. mới tự nguyện đem nộp số tiền trên cho cơ quan thi hành án quận 11 để trả cho người được thi hành án.

Tuy nhiên, sau khi tự nguyện nộp tiền bà H. suy nghĩ lại và thấy chẳng tội gì mình phải trả lại tiền theo bản án. Cho rằng các chấp hành viên đã ép mình trả tiền, bà H. nhiều lần tìm đến trụ sở cơ quan thi hành án quận 11 để đòi lại tiền. Có lần đến không gặp được chấp hành viên, bà H. đã la toáng lên ngay tại trụ sở cơ quan thi hành án.

Ngày 7-7-2010, bà H. gọi thêm em gái (bà M.) và con trai đến cơ quan thi hành án đòi lại tiền. Khi cán bộ thi hành án giải thích bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án không thể trả lại tiền cho bà thì chị em bà H. bắt đầu “quậy”. Không chỉ la hét, chửi bới mà hai chị em còn đập bể luôn cửa kính của phòng thủ quỹ.

Thấy sự việc coi bộ không ổn, cán bộ thi hành án đã gọi điện nhờ công an phường đến can thiệp. Dù thấy công an, cơn giận của hai bà H., M. vẫn không hạ mà dường như còn tăng lên. Các bà tiếp tục chửi cán bộ và cơ quan công quyền.

Lực lượng công an đề nghị hai bà và cả cậu con trai về phường làm việc, không được gây rối tại trụ sở cơ quan nhà nước thì cả ba tiếp tục chống đối. Cực chẳng đã, những người thi hành nhiệm vụ định kéo các bà về công an phường làm việc thì cả hai tung chiêu… cởi đồ. Cả hai chị em bà H. đã tự động cởi quần áo để chống đối.

Bất ngờ trước tình huống này, những cán bộ thi hành nhiệm vụ có khựng lại đôi chút nhưng cuối cùng quyết định “điệu” những “Êva” này về trụ sở công an phường để lập biên bản.

Cộng thêm một số hành vi chống đối khác, hai chị em bà H. đã bị truy tố, xét xử về tội “chống người thi hành công vụ”. Riêng cậu con trai do chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không bị xử lý trong vụ “quậy” cùng mẹ và dì.

Trong phiên tòa xét xử các bị cáo của TAND quận 11, lúc đầu cả hai bà không thừa nhận đã tự cởi đồ mà cho rằng bị co kéo nên tuột ra. Sau đó, các bà mới thực tình “vì tức quá không kiềm chế được mà trót dại, với lại cũng chẳng ngờ làm thế là phạm tội nên mong được tòa khoan hồng”.

Dù có khoan hồng nhưng bản án tòa dành cho hai bà H., M. về hành vi cởi đồ tại cơ quan công quyền là hơn 5 tháng tù và 12 tháng tù.

Muốn khám thì… cho khám!

Câu chuyện cởi đồ của bà Đ. lại khác. Là một doanh nhân thành đạt, kinh doanh lớn nhưng lại bị nghi ngờ lấy đồ siêu thị mà không tính tiền thì quả thật là ê mặt. Chưa hết, bà Đ. còn bị các nhân viên bảo vệ đối xử thô lỗ quá nên ức lòng mà phải… cởi.

Một buổi chiều tháng 5-2010, bà Đ. đến siêu thị M. để mua hàng. Khi bà đẩy xe qua cửa an ninh, chẳng hiểu lý do gì máy soi lại kêu “tít tít” nhiều lần. Nghĩ rằng có đồ bất minh trong xe hàng của bà Đ., các nhân viên bảo vệ đã chặn xe và kiểm lại hàng.

Kiểm nhiều lần không thấy hàng gì chưa tính tiền, trong khi cái máy vẫn tiếp tục “tít tít” nên nhân viên siêu thị yêu cầu bà Đ. vào phòng trong để khám người.

Việc bị chặn lại đã làm nhiều người tò mò đứng nhìn, giờ lại bị yêu cầu khám người khiến bà Đ. rất tức giận. Bà Đ. yêu cầu: muốn khám người bà phải có phòng riêng, phải lập biên bản và có đại diện của ban giám đốc siêu thị chứng kiến.

Các nhân viên bảo vệ cho biết không thể mời đại diện ban giám đốc xuống được nhưng vẫn buộc bà phải vào phòng trong để khám. Bà Đ. không đồng ý, định bỏ đi thì một nhân viên bảo vệ nữ nắm tay bà giữ lại. Bà giằng ra đi về phía cổng thì một nhân viên nam khác nhào tới, kéo tay kéo áo không cho bà đi.

Việc co kéo này đã khiến chiếc áo bà đang mặc xô lệch và… tuột. Ức lòng vì bị hàm oan, lại bị đối xử không ra gì trước mắt bao nhiêu khách hàng siêu thị, bà Đ. không kìm được đã tự mình cởi luôn phần đồ bên dưới để bảo vệ… khám cho toàn diện!

Thấy bà Đ. trong tình trạng “hở trên trống dưới”, các nhân viên đã xúm lại và co kéo bà Đ. vào phòng trong. Vụ việc phải nhờ cơ quan công an đến giải quyết. Sự thật thì bà Đ. chẳng giữ trong người món đồ nào của siêu thị mà vẫn bị đối xử khiếm nhã.

Sau khi khiếu nại và lãnh đạo của siêu thị đã có lời xin lỗi nhưng bà Đ. vẫn cảm thấy uất ức về việc bị đối xử như kẻ trộm. Bà gửi thư đề nghị lãnh đạo siêu thị phải xin lỗi bà công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường danh dự cho mình. Tuy nhiên, các yêu cầu này của bà không được phía siêu thị đáp ứng. Vì vậy, bà M. đã nộp đơn khởi kiện ra tòa.

Khi làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo siêu thị vẫn cho rằng nhân viên bảo vệ của mình làm đúng chức trách vì máy báo có hàng chưa tính tiền và cho rằng bà Đ. bất hợp tác, tự cởi đồ. Băng ghi hình cảnh khám xét và cởi đồ của bà Đ. tại siêu thị đã được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Khi làm việc, bà Đ. chẳng chối bỏ chuyện mình đã tự cởi “phần dưới”, nhưng “phần trên” là do nhân viên bảo vệ túm kéo mà tuột ra. Bà Đ. cho rằng chính việc túm áo, tuột áo đã khiến bà bức xúc cởi nốt cho bảo vệ khám xét thoải mái. Hơn nữa, theo bà Đ., bà đã bị nhân viên bảo vệ cư xử khiếm nhã, đánh gây thương tích trong khi xô xát nên bà cương quyết đề nghị phải xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm khách hàng này.

Vụ án cởi đồ này xảy ra đã gần cả năm nay, nhiều người khuyên bà Đ. “thôi bỏ qua, đôi co làm gì kẻo lại rùm beng lên”. Có lúc bà Đ. cũng định bỏ qua nhưng mỗi lần nhớ đến cảnh bị ê mặt giữa chốn đông người, cơn giận của bà lại nổi lên. Do bận nhiều việc, bà Đ. đã ủy quyền cho luật sư thay mình theo đuổi vụ việc này.

Xem ra kết cục của vụ án đòi bồi thường vì bị cởi đồ này vẫn phải chờ… hạ hồi phân giải!

CHI MAI

(theo tuoi tre online)

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 8: BẮC THANG LÊN HỎI ÔNG TRỜI

Bà Ng. từng có một cuộc sống viên mãn với chồng và ba con. Một ngày đẹp trời bà gặp ông N. là Việt kiều Mỹ. Bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài mặn mà của người đàn bà đang tuổi hồi xuân, ông Việt kiều ra sức chinh phục. Sức hút của mác “Việt kiều” cùng những lần vung tay thoải mái để chi tiền cho người đẹp đã khiến bà Ng. bỏ cả chồng con chạy theo ông.

TT – Phiên tòa xét xử vụ lừa đảo của bà L.T.P.Ng. diễn ra vào một ngày cuối năm 2008. Bị cáo Ng. tuy đã vào tuổi ngũ tuần nhưng vẫn còn xuân sắc, mặn mà.

Tình tay ba

Bà Ng. từng có một cuộc sống viên mãn với chồng và ba con. Một ngày đẹp trời bà gặp ông N. là Việt kiều Mỹ. Bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài mặn mà của người đàn bà đang tuổi hồi xuân, ông Việt kiều ra sức chinh phục. Sức hút của mác “Việt kiều” cùng những lần vung tay thoải mái để chi tiền cho người đẹp đã khiến bà Ng. bỏ cả chồng con chạy theo ông.

Từ đó, cuộc sống của bà Ng. thay đổi hẳn. Thế nhưng, cái khổ của bà là người chồng Việt kiều chẳng ở nhà thường, cứ “bay” đi nhiều ngày rồi mới về với bà ít ngày. Có tiền tiêu mà lại thiếu người yêu, bà Ng. tìm đến với nhiều thú tiêu khiển, trong đó món làm bà mê đắm là thú đánh bài. Tụ tập với bạn bè tại Sài Gòn chưa đã, bà Ng. còn đến tận các sòng bạc tại Campuchia để nướng tiền.

Trong nhiều lần cùng hội sang Campuchia đánh bài, bà “kết” anh chàng tài xế tên T. sao mà nói chuyện nhỏ nhẹ lại dễ thương. Từ là “mối ruột” tài xế, T. trở thành người tình trẻ của bà Ng..

Cứ rỉ rả cần tiền: lúc sửa nhà, lúc mua xe hơi, lúc giúp bà con họ hàng… bà Ng. ngày càng “nã” tiền của ông N. nhiều hơn. Tiền cứ chảy từ túi ông Việt kiều sang bà Ng. chưa ấm chỗ lại chảy ào vào sòng bạc và túi của anh tài xế taxi trẻ trung. Chưa kể dù đã ly hôn nhưng tình nghĩa với người chồng cũ và những đứa con còn nặng. Thấy chồng cũ khó khăn, bà Ng. mạnh tay đưa cả trăm triệu đồng cho chồng cũ làm ăn. Bà chép miệng: “Thôi thì cứ coi như bù đắp thương tổn mà tôi gây ra cho ông!”.

 

Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Một ngày ông Việt kiều già chợt giật mình khi nghe đám cháu bàn tán về người vợ Việt Nam và những mối quan hệ mờ ám. Nhiều lần thử, kiểm tra biết được vợ không còn chung thủy, ông Việt kiều ức lòng gọi điện cãi vã và đòi lại tiền.

Mới đầu thấy người tình già đòi tiền làm dữ, bà Ng. còn đinh ninh “ổng không cách gì để đòi lại tiền”. Thế nhưng, ông già đã tỏ ra cao cơ hơn khi trưng ra nhiều giấy biên nhận mà bà Ng. ký mỗi lần nhận tiền để làm bằng chứng đòi nợ. Sống chung nhưng không đăng ký kết hôn, lại có giấy biên nhận nhận tiền thì khi ông đòi bà Ng. phải trả là cái chắc!

Bị người tình già đòi nợ và ngưng cung cấp tiền, bà Ng. cũng chợt nhận thấy người tình trẻ dạo này có nhiều biểu hiện lơ là. Muốn làm “cú chót”, bà Ng. đã điện nói với ông N. rằng tiền ông đưa bà đã mua căn nhà (thực chất bà chỉ thuê), nếu ông đòi thì bà cấn nhà cho cháu gái ông trả nợ. Cấn qua cấn lại, nếu lấy nhà thì cô cháu gái phải trả cho bà Ng. khoảng 47.000 USD nữa. Bà Ng. nhờ người làm giả giấy tờ nhà để đưa cho hai người. Sau khi giao tiền, chờ đến mỏi cổ không thấy bà Ng. giao nhà, cô cháu tìm hiểu và tá hỏa khi biết giấy tờ nhà là giả.

Tiền vay chứ không cho!

Tại phiên tòa xét xử bà Ng., cả ba người đàn ông của bà đều được mời với các tư cách khác nhau. Ông Việt kiều già là bị hại, người tình tài xế trẻ và ông chồng cũ là những người liên quan.

Bà Ng. cố chứng minh với tòa rằng giữa bà và ông N. là quan hệ vợ chồng nhưng không được vì hai người sống với nhau làm gì có hôn thú. Thế nên dù bà có cố sức để cho rằng tiền ông Việt kiều đưa cho mình là tiền của “chồng” cho “vợ” tiêu xài, có khi chi tiêu chung cho chính ông N. nhưng chẳng ai tin. Ông Việt kiều còn đưa ra mấy cái biên nhận mà rằng: “Làm gì có chuyện cho, nếu cho thì bả viết biên nhận làm gì?”. Theo ông Việt kiều, đấy là tiền vay thôi. Mà không chỉ vay ông, bà Ng. còn “vay” của cô cháu gái nữa nên không trả là phải chịu tội.

Trước tòa, bà Ng. khóc tấm tức rằng bà là nạn nhân. Bà Ng. nói bà với ông N. là quan hệ vợ chồng dù không có đăng ký kết hôn. Bà cần tiền, nói ông N. đưa thì ông đưa, bà xài chứ không vay mượn gì. Có khi bà còn chi tiêu cho cả ông N. nữa, coi như “tình phí” của cả hai người. Nhiều khi hết tiền xài mà ông N. ở tận bên Mỹ, bà gọi điện thì ông nói bà đến đứa cháu lấy đỡ, ông về sẽ đưa lại. Lúc đưa tiền đứa cháu nói bà ký nhận là để “nó tính lại với chú”. Bà tin mà ký chứ có ngờ đâu cô cháu hùa với ông để dùng biên nhận này tố cáo bà quỵt tiền.

Tòa hỏi thế bà xài tiền những đâu mà nhiều thế, hết sạch hàng chục ngàn đôla? Bà Ng. nhận đã trót nướng vào sòng bạc hết một số tiền lớn, rồi có cho anh T. vay 800 triệu đồng để mua xe, đưa cho chồng cũ khoảng 100 triệu đồng làm ăn. Trước tòa, hai người đàn ông “liên quan” với bà và các món tiền trên đều chối biệt! Anh T. thì nói có vay bà 7.000 USD thôi nhưng trong quá trình xảy ra vụ án đã trả lại cơ quan điều tra rồi. Còn người chồng cũ lặng thinh: “không nhận đồng nào của bà Ng. cả”.

Tòa hỏi bà Ng. có bằng cớ nào nói hai người trên nhận tiền của mình, bà lắc đầu thở dài. Trong khi đó, ông Việt kiều lại trưng ra đầy đủ những biên nhận nhận tiền của bà Ng. “vay” ông và cô cháu gái hơn 100.000 USD. Kể luôn cả khoản tiền lớn sau cùng là 47.000 USD mà bà Ng. dùng giấy tờ giả để lừa bán nhà cho cô cháu gái, bản án cuối cùng mà bà nhận được là 20 năm tù.

CHI MAI

“Hợp đồng cưới”

Trong quá trình phá vụ án lừa đảo của một nữ giám đốc công ty dược phẩm tên L.T.Y.P. (35 tuổi), cơ quan điều tra thu thập hồ sơ liên quan hành vi phạm tội của nữ giám đốc này và vô tình phát hiện P. đang cất kỹ một bản “hợp đồng cưới” của P. với một người đàn ông. Dù hai bên có quan hệ tình cảm, yêu đương nhưng có vẻ nữ giám đốc vẫn không yên tâm nên đã đề nghị chàng người yêu phải ký một “hợp đồng cưới” đàng hoàng. Bản hợp đồng có nội dung P. đồng ý trang cấp cho người yêu nhiều tài sản gồm xe máy, đồng hồ, một món tiền lớn… và đổi lại anh chàng phải cam kết sẽ yêu thương, phải cưới P. vào cuối năm 2005. Hợp đồng được đánh máy hẳn hoi và cả P. và chàng trai đều ký tên. Thực hiện “hợp đồng” này, P. đã cung phụng tiền bạc cho người yêu đầy đủ như cam kết.

Sau khi được cơ quan điều tra mời lên làm việc, anh chàng vội vã đem nộp lại xe máy, đồng hồ và những khoản tiền mà P. đã cung cấp đúng như “hợp đồng cưới” và cam đoan mình không biết gì về nguồn gốc tài sản có do lừa đảo. Cơ quan điều tra đã cho anh chàng đơn phương thanh lý hợp đồng cưới với P. bằng cách nộp lại tài sản mà P. đã cho.

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 7: NHỮNG VỤ ĐÒI CON

TT – Anh L.C.H. làm kế toán ở một doanh nghiệp tư nhân. Chị V.T.T. làm thợ may. Đôi vợ chồng trẻ rất lạc quan bởi họ thấy nhìn lên khắp TP Cần Thơ mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống khối người không ai bằng mình. Lại thêm trong nhà có đứa con 2 tuổi hay bi bô nên suốt ba năm chung sống, đôi uyên ương lúc nào cũng thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”.

TT – Anh L.C.H. làm kế toán ở một doanh nghiệp tư nhân. Chị V.T.T. làm thợ may. Đôi vợ chồng trẻ rất lạc quan bởi họ thấy nhìn lên khắp TP Cần Thơ mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống khối người không ai bằng mình. Lại thêm trong nhà có đứa con 2 tuổi hay bi bô nên suốt ba năm chung sống, đôi uyên ương lúc nào cũng thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Cái bẫy ly hôn

Rồi trong lần tình cờ đi hát karaoke cùng mấy chị em trong xóm, chị T. quen với một đại gia giàu sụ đã ly dị vợ. Từ ngày đó, giữa hai người thường có những cuộc hát karaoke với nhau. Và của cải vật chất ngày càng sinh sôi, nảy nở trong nhà chị T. qua những lần đi hát “dân ca ba miền” ấy. Chị T. cũng thật thà khai báo hết cho chồng nghe, rủ rỉ rù rì trấn an chồng cứ yên tâm, gì thì gì em vẫn “giữ mãi tấm lòng son” với anh.

Chồng khoái chí khi cái tivi 20 inches cũ được thay bằng cái 27 inches mới cáu. Rồi thêm chiếc Air Blade màu đỏ láng coóng nữa chứ. Điều quan trọng là tất cả đều đứng tên vợ mình, mà sau vợ mình chính là mình. Sau này cha đại gia có “bắc thang lên hỏi ông trời” cũng đòi lại hổng được. Ai mượn dại gái chết ráng chịu. Cứ mỗi tối cuối tuần là cả nhà vi vu trên chiếc Air Blade ra bến Ninh Kiều hóng gió. Nhiều lúc anh H. nghĩ có vợ nhan sắc lời thấy mồ, mình vừa được ngắm vợ đẹp vừa… có thêm tài sản. Tuy đôi lúc cũng cảm thấy khó chịu khi tưởng tới cảnh gã đại gia chụm đầu cùng vợ yêu song ca những bản tình ca, nhưng thôi chắc vợ yêu chỉ hát thôi, chứ không tiến xa hơn nữa đâu…

Rồi bất ngờ vào một đêm trăng thanh gió mát, người vợ thủ thỉ với chồng rằng mình phải làm giàu và đưa ra một kế sách: ly dị! Chồng nghe xong, mồ hôi rơi lộp bộp dù tiết trời rất mát mẻ. Vợ thấy thế trấn an: mình chỉ ly hôn giả thôi, cho cha đại gia tưởng thiệt mới ngoan ngoãn “nộp” khối tài sản kếch sù cho mình. Khối người nhờ áp dụng cách này mà phất lên vù vù đấy. Cha này giàu lắm, chừng nào mình quơ được một đống tiền sẽ đá đít ổng một cái bịch. Lúc đó vợ chồng con cái sẽ đoàn viên trong niềm hoan ca sung túc. Lúc đầu chồng do dự, nhưng vợ cứ thuyết phục: “Thôi mà anh, lùi một bước là trời cao, biển rộng!”. Chồng xuôi theo gật đầu.

Ra tòa, theo đúng kịch bản anh H. hào phóng giao hết tất tần tật nhà cửa, tài sản và cả đứa con duy nhất cho vợ. Còn mình ra đi mình không, mướn một phòng trọ ẩn nhẫn chờ ngày đoàn viên ca khúc khải hoàn. Thời gian đầu, anh H. đến thăm con chị T. vẫn vui vẻ như “chưa hề có cuộc chia ly”. Nhưng sau đó, chị khó chịu ra mặt khi anh H. đến thăm, nhất là khi đến trùng với đại gia. Chị T. đề nghị anh H. đến in ít thôi vì giữa hai người giờ đây không còn gì nữa cả, cô nam, quả phụ đến hoài thiên hạ… dị nghị. Anh H. chưng hửng nhắc lại “kế hoạch” xưa, chị T. tỉnh rụi rằng mình đâu có nói hồi nào đâu, nếu anh H. mà còn nhắc lại là chị sẽ thưa anh tội vu khống, bôi nhọ danh dự của chị.

Cay cú biết mình bị lừa, nhà cửa, tủ giường,… công sức bao năm đổ sạch xuống sông nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì nói ra chẳng những thằng tình địch mà đồng nghiệp trong cơ quan cười cho bể mặt. Điều anh H. ức nhất là thằng con trai cứ quấn lấy gã đại gia mà bí bô bí ba, còn anh là cha mà mỗi khi ôm nó lại khóc ré lên… Thôi thì cứu được cái gì thì cứu, anh H. gửi đơn đến tòa án đòi thay đổi quyền nuôi con. Nhưng đứa con mới 34 tháng tuổi, cộng thêm người mẹ có chỗ ăn ở công việc ổn định, còn anh H. ở nhà trọ nên tòa hai cấp tuyên chị T. tiếp tục giữ quyền nuôi con. Thế là từ đó anh H. thở dài thườn thượt hát câu: “Bởi tôi lỡ dại nên tin lầm người ta…”.

“Chiếm đoạt” cháu nuôi

Cuối năm 2001, mẹ của chị T.T.L. có xin một bé trai tại bệnh viện đem về cho chị nuôi. Chị làm khai sinh và đặt tên đứa bé là N.C.B.. Sau đó, vợ chồng chị L. chuyển đến tá túc nhà ông T., vốn là bạn thân của chồng chị. Hai vợ chồng chị L. thường đi làm ăn xa nên gửi cháu B. cho gia đình ông T. chăm sóc. Sáu năm trôi qua, vợ chồng chị L. dần khấm khá, cất nhà cửa và nói với ông T. rước bé B. về  cho đi học. Lúc này ông T. không chịu trả con cho chị L.. Năn nỉ mãi không được, buộc lòng vợ chồng chị L. gửi đơn kiện đến TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Trước tòa, ông T. nói rằng vợ chồng chị L. đã nói giao con cho ông nuôi luôn. Vả lại ông đã nuôi sáu năm nên mến chân, mến tay như cháu ruột. Vì vậy ông quyết không thể giao bé B. cho chị L.. Tuy nhiên vợ chồng chị L. thoải mái muốn đến thăm lúc nào cũng được, ông không cấm cản. Giờ chỉ cần hỏi ý kiến bé B., nếu bé chịu về ở với vợ chồng chị L. thì ông sẽ giao ngay tức khắc, chỉ cần trả ông tiền công nuôi bé B. sáu năm là 6.750.000 đồng.

Tòa phân tích thời gian cháu B. sống gần vợ chồng ông T. nhiều hơn là vợ chồng chị L. nên giờ cháu B. không chịu xa ông bà là điều tất nhiên. Giờ cháu B. còn nhỏ, chính chị L. đã làm giấy khai sinh cũng như đăng ký việc nuôi con nuôi. Vì thế tòa tuyên chị L. được quyền nuôi cháu B. đồng thời phải thanh toán chi phí nuôi cháu B. cho ông T. là 6.750.000 đồng. Không đồng ý với bản án trên, ông T. kháng cáo. Nhưng nhiều lần TAND TP Cần Thơ mở phiên xét xử, ông T. đều vắng mặt không lý do dù giấy triệu tập được gửi đến tận nhà. Đến lần thứ ba, TAND TP Cần Thơ vẫn tiến hành xét xử và bác kháng cáo của ông T., y án sơ thẩm.

Xóm giềng đều nói ông T. tính tình hiền lành nhưng đụng đến chuyện bé B. là ông rất quyết liệt. Ông kiên quyết giữ bé B.. Mãi đến gần ba tháng sau, khi cơ quan thi hành án quyết liệt yêu cầu ông T. phải chấp hành bản án, gia đình ông mới đưa cháu B. đến UBND xã giao cho vợ chồng chị L.. Nhưng khi giao xong, đi được dăm bước nghe cháu B. khóc thét lên kêu: “Ngoại ơi! Ngoại ơi! Đừng bỏ con”, thế là ông T. quay lại ẵm bé B. chạy thốc tháo về nhà, rồi kêu con trai tức tốc mang cháu B. trốn lên tận Sài Gòn.

Sau nhiều lần thuyết phục ông T. không thành, Công an huyện Cờ Đỏ ra quyết định khởi tố ông T. với tội danh chiếm đoạt trẻ em, đồng thời ra quyết định truy nã con trai ông cũng với tội danh trên. Hơn bốn tháng lẩn trốn, người con trai suy tính thiệt hơn, hổng lẽ trốn vầy hoài chắc cả đời mình… hổng có vợ luôn. Rồi tương lai bé B. cũng không học hành được, kiểu này chắc mình và thằng bé đều tiêu tùng. Thế là anh con trai chặc lưỡi, đem bé B. về lại quê nhà, còn mình đến công an đầu thú.

Ba năm trôi qua, giờ bé B. đang học lớp 2, đầm ấm bên cha mẹ mình. Anh con trai ông T. đã có vợ, sinh được bé trai kháu khỉnh. Ông T. suốt ngày đùa vui với cháu ruột của mình. Nhắc đến chuyện xưa mọi người đều hú hồn, nếu ngày đó cha con ông hành xử căng thẳng thì giờ hai cha con đều ngồi tù, chứ lấy đâu thong dong ngồi ru cháu nội như bây giờ.

MINH TÂM

 

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 6: VỤ KIỆN BỨC TƯỜNG

Chủ Nhật, 13/02/2011, 07:07 (GMT+7)
TT – Bức tường cũ kỹ được xây dựng từ những năm 1960 bề dày chỉ đúng một tấc (0,1m), chiều dài hơn 5,7m nhưng cả ba nhà đều lên tiếng: “Tường đó của riêng nhà tôi, người kia chỉ dùng ké!”. Vụ kiện không chỉ có ba chủ nhà tham gia mà rồng rắn thêm nhiều người liên quan vốn là các chủ nhà cũ trước đó, những người hàng xóm được coi là biết rành rẽ về nguồn gốc bức tường đều kéo đến tòa làm chứng.

Chủ Nhật, 13/02/2011, 07:07 (GMT+7)
TT – Bức tường cũ kỹ được xây dựng từ những năm 1960 bề dày chỉ đúng một tấc (0,1m), chiều dài hơn 5,7m nhưng cả ba nhà đều lên tiếng: “Tường đó của riêng nhà tôi, người kia chỉ dùng ké!”. Vụ kiện không chỉ có ba chủ nhà tham gia mà rồng rắn thêm nhiều người liên quan vốn là các chủ nhà cũ trước đó, những người hàng xóm được coi là biết rành rẽ về nguồn gốc bức tường đều kéo đến tòa làm chứng.

“Lưng” anh nhưng “sườn” tôi

Vì không ai thắng kiện nên cả ba nhà tranh chấp bức tường phải chia đều án phí và chi phí giám định. Bức tường được xác định chiếm diện tích đất: 5,75 x 0,1m, trị giá mỗi mét vuông đất tại khu vực này là 35 triệu đồng/m2 nên tính riêng giá đất của bức tường là hơn 20 triệu đồng. Cộng thêm trị giá phần xây dựng thì bức tường tranh chấp trị giá hơn 33 triệu đồng. Ngoài mức án phí hơn 500.000 đồng/nhà, cộng thêm phí giám định, mỗi nhà phải đóng tổng cộng hơn 3 triệu đồng!

Ba căn nhà (gọi tạm là nhà số 220, nhà 222 và nhà 216H) tiếp giáp với nhau bằng một bức tường chung. Nhà 220 và 222 nằm giáp cạnh nhau còn nhà 216H thì nằm ngang, lấy bức tường phía sau đuôi của hai nhà 220 và 222 là tường dọc của minh.

Cả ba căn nhà trên đều sử dụng chung bức tường đã vài chục năm nay. Dù nhà cửa đã cũ kỹ, lâu đời nhưng chẳng gia đình nào xây dựng lại bởi ai cũng ngấm ngầm hiểu nguyên tắc: tường chung thì ai xây trước sẽ phải bỏ tường, người xây sau đương nhiên được hưởng trọn bức tường.

Việc tranh chấp gay gắt chỉ bắt đầu từ năm 2003, khi nhà 216H (do bà N. làm chủ) xin cấp chủ quyền và đòi hợp thức hóa bức tường làm của riêng nhưng không được vì chủ nhà 222 (ông Đ.) đã có đơn ngăn chặn tranh chấp bức tường. UBND phường hòa giải hoài không được, các bên đã kéo nhau đến tòa án giải quyết. Chủ căn nhà 216H đứng nguyên đơn. Vụ kiện được TAND TP.HCM thụ lý từ đầu năm 2006 nhưng đến mãi cuối năm 2010 mới kết thúc bằng bản án phúc thẩm của TAND tối cao.

Tại tòa, phía bà N. (chủ căn nhà 216H) cương quyết cho rằng bức tường phải thuộc về nhà mình. Bà N. lý giải: “Tôi mua nhà về ở năm 1976 thì đã thấy nhà có sẵn bức tường này rồi. Đến khi có nhu cầu thêm chỗ ở, năm 1988 tôi xây thêm trên tường, đến năm 1998 lại xây thêm nữa có ai dám ý kiến gì đâu. Không phải tường của nhà tôi thì mấy ông bà đó để cho tôi được tự do thế à?”. Lý lẽ của phía bà N. còn được củng cố bởi lời khai của 3 nhân chứng gồm chủ cũ của nhà 216H, chủ cũ nhà 222 và người chủ căn nhà tiếp giáp gần đấy (nhà 216G). Các nhân chứng xác nhận: bức tường là của căn nhà 216H.

Còn phía bị đơn, ông Đ. là chủ của căn nhà 222 cũng nhất quyết cho rằng bức tường là của hai căn nhà 220 và 222. Ông Đ. cũng đại diện luôn cho chủ nhà 220 nói mình có đủ giấy tờ sở hữu xác nhận bức tường là của riêng bên mình. Ông Đ. nói đã mua căn nhà từ năm 1964, đến năm 1976 gia đình bà N. mới về cất nhà tại miếng đất trống phía sau đuôi nhà ông. Khi cất nhà thì gia đình bà N. tự ý dùng ké bức tường sau nhà ông.

Sở dĩ gia đình ông không gây khó dễ vì thấy thương gia đình bà N. nghèo. Đến năm 1988 lúc bà N. xây chồng thêm một tầng nữa, ông cũng không nói gì vì mắc đi làm sáng tối, có hay biết gì đâu. “Đến năm 1998, một lần nữa bà N. lại xây chồng thêm một tầng lên tường thì tôi mới biết và sợ không đảm bảo an toàn nên đã gửi đơn đến phường” – ông Đ. nói.

Dù cương quyết đòi bức tường đó là tường của hai nhà 220 và 222 nhưng phía bị đơn cũng nói: “Chúng tôi sẵn sàng cho bà N. sử dụng chung như từ trước tới nay, với điều kiện bà N. không được thay đổi hay làm gì để hỏng tường. Nếu gia đình bà còn đòi hợp thức hóa thành tường riêng thì chúng tôi đề nghị chính quyền phải ra văn bản công nhận tường đó là của chúng tôi”.

Bức tường im lặng!

Tranh luận đến hồi gay cấn, các bên đều sừng sộ, đỏ mặt bừng bừng. Người này nói, người kia chỉ trích gay gắt. Thậm chí còn kể xấu chuyện người nọ, người kia đục tường, khoan lỗ khiến bên này không thể yên ổn. Chủ tọa khuyên nhủ đủ đường về tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau… nhưng các bên vẫn tiếp tục giành bức tường về phía mình.

Dù bên nguyên đơn mời cả các nhân chứng là chủ nhà cũ, hàng xóm cũ đến cho lời khai, xác nhận chủ nhà 216H bỏ tiền ra xây bức tường từ đời “tám hoánh” nào nhưng lời khai của họ cũng chỉ là lời khai, đôi khi lúc thế này lúc thế khác… khiến tòa chẳng an tâm! Bên bị cũng trưng ra nhiều giấy tờ chủ quyền, bản vẽ hiện trạng nhà đất, rồi văn bản xác nhận của UBND phường rằng bức tường đó là tường riêng tại phần đuôi của hai căn nhà 220 và 222 nhưng theo tòa cũng… không ổn.

Các giấy tờ pháp lý của hai căn nhà bên bị đưa ra có ghi các bức tường bên hông là riêng hay chung nhưng chỉ mỗi bức tường phía sau (đang tranh chấp) lại không ghi riêng hay chung. Hơn nữa, các lần bà N. cơi nới xây tường, hai bị đơn cũng không có ý kiến gì, thậm chí còn tỏ vẻ tôn trọng quyền của bà N. sử dụng bức tường tranh chấp này. Văn bản xác nhận của UBND phường cho rằng tường là của hai bị đơn (vì gạch, vữa của bức tường xây đồng nhất với các bức tường bên hông nhà) thì nguyên đơn cũng ký tên và ghi ngay vào đấy là: không đồng ý với cách kiểm tra trên.

Đến khi tòa trưng cầu cơ quan kiểm định để làm rõ: bức tường đó xây cùng thời điểm, đồng nhất với vật liệu xây dựng của căn nhà nào (thì thuộc sở hữu chủ nhà đó) việc kiểm định cũng không cho ra được kết quả rõ ràng. Cơ quan kiểm định đề nghị phải khoan chỗ này, đào chỗ khác để kiểm định vật liệu, kết cấu tường thì mới xác định tường đó do nhà nào xây, nhưng ngặt nỗi bên bị đơn lại không chịu mà đề nghị khoan, đào chỗ khác.

Mà mấy chỗ khoan đào này đâu phải “điểm huyệt” để xác định bức tường của nhà nào nên cơ quan kiểm định đành chào thua. Kiểm định chỉ có thể kết luận hiện trạng: nhà 220 dùng tường đó làm tường bao công trình phụ và đỡ gối cho các bậc thang lên lầu, nhà 222 dùng làm tường bao công trình phụ và có câu gạch với tường hông, còn nhà 216H thì dùng tường làm tường dọc chịu lực kết hợp với hệ cột, dầm, bêtông cốt thép để đỡ các tầng phía trên.

Gần năm năm trôi qua, kết quả chung cuộc theo phán quyết của tòa: bức tường là của chung ba nhà!

Mấy chục năm ra đời và im lặng đứng, bức tường nọ một ngày trở thành nhân chứng cho cuộc dâu biển lòng người. Nó được định giá 33 triệu đồng, nhưng ai cũng biết nếu nhà nào giành được bức tường ấy về phía mình thì giá trị ngôi nhà không chỉ là cộng thêm 33 triệu đồng nữa rồi. Vì thế, bên nào cũng dốc công. Năm năm, hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, đau đầu và mệt óc. Họ trở về với hiện trạng ban đầu. Bức tường nguyên vẹn, nhởn nhơ và lì mặt trong thế sự chuyện đời. Cái bị dạt xô, chao đảo và không còn nguyên vẹn là tình nghĩa xóm giềng. Ba nhà chung vách chung tường nhưng lòng thì khó mà chung được nữa…

CHI MAI

 

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 5: CÁI “NGÀN VÀNG” LỠ MẤT

Nguyên đơn A trình bày: cô mới 24 tuổi, thận trọng giữ mình như ngọc, chưa có bạn trai. Một ngày, sau ca tan sở, cô đạp xe ra khỏi Khu công nghiệp Trà Nóc, định quẹo qua đường lớn về nhà thì bị va quẹt xe. Người va quẹt là anh B. Anh B chạy xe gắn máy, quẹo ẩu nên tông vào xe đạp của cô, khiến cô tụt hai tay khỏi ghiđông và té ngã.

TT – Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ mở phiên tòa dân sự, xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về trinh tiết bởi một tai nạn. Ra trước tòa có cô A nguyên đơn và người cha; anh B bị đơn và người mẹ.

Ngã xe, mất cái “ngàn vàng”

Nguyên đơn A trình bày: cô mới 24 tuổi, thận trọng giữ mình như ngọc, chưa có bạn trai. Một ngày, sau ca tan sở, cô đạp xe ra khỏi Khu công nghiệp Trà Nóc, định quẹo qua đường lớn về nhà thì bị va quẹt xe. Người va quẹt là anh B. Anh B chạy xe gắn máy, quẹo ẩu nên tông vào xe đạp của cô, khiến cô tụt hai tay khỏi ghiđông và té ngã.

Về nhà, cô đi tắm mới biết mình bị chảy máu chỗ kín. Hoảng hốt, sáng hôm sau cô vào bệnh viện X ở Cần Thơ khám chuyên khoa. Bác sĩ kết luận cô bị rách mới màng trinh. Cô phải lấy giấy chứng thương và kiện anh B – người gây ra tai nạn cho cô.

Cô cho rằng trinh tiết là cái đáng quý nhất của người phụ nữ. Việc rách màng trinh đáng tiếc này có thể làm ảnh hưởng rất lớn tới danh dự, nhân phẩm của cô về sau. Cô đề nghị tòa buộc anh B phải đền bù cho cô số tiền 5 triệu đồng về thiệt hại danh dự, phẩm giá của mình.

Bị đơn B trình bày: anh rất xin lỗi cô A về chuyện rách màng trinh. Thật ra, việc va quẹt xe xảy ra nhẹ nhàng, ngoài ý muốn của cả hai bên nhưng anh không ngờ lại gây ra cho cô vết thương như vậy. Anh thú thật anh mới lớn, cũng chưa hề biết màng trinh là… cái gì. Anh không đồng ý đền bù số tiền trên, chỉ đồng ý đền bù những khoản thuốc men, khám bệnh nếu cô A có biên lai hợp lệ.

Bởi nguyên đơn và bị đơn còn quá trẻ, chưa lập gia đình và chưa có tài sản riêng nên cha của nguyên đơn A và mẹ của bị đơn B ra trước tòa như hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Mẹ của bị đơn trình bày rằng bà cũng rất xót xa khi biết cô A té ngã và rách màng trinh như cô trình bày. Trong những lần hòa giải trước đây, bà có đề nghị cho anh B hỏi cưới cô A làm vợ thì mọi chuyện đều êm nhưng hổng hiểu sao gia đình cô A cứ muốn kiện ra tòa.

Bà đưa ngón tay út lên và nói: “Cháu ơi, cái màng trinh mà nhằm nhò gì, nó nhỏ xíu xiu hà. Tui nghe nói bây giờ các bác sĩ giỏi lắm. Ở trên thành phố họ vá nó hà rầm, dễ ợt như mình vá… ruột bánh xe vậy. Cho nên gia đình tui chỉ đồng ý đền tiền nếu cháu chịu đi vá thôi. Vá nhiêu đền nhiêu”.

Nghe bên bị nói chuyện “đâm hơi”, cha của nguyên đơn A giật gân đùi đụi. Không đợi tòa cho phép, ông la lớn: “Chèng đéc ơi, chị nói cái gì kỳ vậy? Vấn đề màng trinh là cái ngàn vàng trong đời con gái người ta. Nó đâu phải là… cái lu, cái khạp mà lủng chỗ nào mình dùng ximăng vá lại chỗ đó? Sở dĩ tui không đồng ý gả con gái tui cho con trai chị vì con gái tui lớn hơn con trai chị hai tuổi. Người ta nói “Nhứt gái hơn hai, nhì trai hơn một”, nhưng trong vụ này con gái tui không thể nhứt được. Con gái tui về làm dâu nhà chị, hổng chừng buồn buồn nhớ lại vụ kiện này, chị nói… tiếng Đức với nó thì nó làm sao chịu nổi? Tui hổng đồng ý vá may gì hết. Bên chị phải đền bù cái vụ mất trinh cho con gái tui”.

Thấy tình hình “khu vực… Trung Đông” có vẻ căng thẳng, thẩm phán động viên hai bên bình tĩnh. Ông cho biết trước khi xét xử vụ án, ông đã qua bệnh viện gặp bác sĩ khám cho cô A, hỏi ý kiến của nhà chuyên môn này. Vết rách của cô A ở múi 3 giờ là vết rách nhẹ.

Trong cái nhìn đạo đức truyền thống của dân tộc ta, trinh tiết là cái đáng quý của người phụ nữ. Ông chia sẻ và thông cảm với tâm trạng lo lắng của nguyên đơn A về việc vết thương tế nhị ấy có thể sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mai sau nếu gặp phải người chồng khó tính. Tuy nhiên, rõ ràng nguyên đơn vẫn là một phụ nữ trong trắng, đức hạnh, tự vấn lương tâm không có điều chi đáng xấu hổ khi cần nói thật tai nạn này với người chồng tương lai.

Bác sĩ chuyên khoa đã cho ông biết vết thương nhẹ của nguyên đơn có thể khắc phục được bằng vi phẫu thuật. Chi phí của ca vi phẫu thuật này khoảng 500.000 đồng.

Việc té ngã do va quẹt xe dẫn đến bị thương nhẹ ở vùng tế nhị là ngoài ý muốn của đôi bên. Tòa tuyên bố: bị đơn B phải đền bù cho nguyên đơn A số tiền 500.000 đồng để khắc phục hậu quả vết thương và 80.000 đồng tiền khám vết thương, lấy giấy chứng thương. Ông cũng dặn cô gái hãy an lòng, trước khi lập gia đình, cô nên nói thật với người chồng rằng mình bị ngã xe, xuất trình giấy chứng thương và án văn dân sự của tòa để anh khỏi thắc mắc, nghi ngờ!

Chỉ tại cái… mỏ vịt

Ngày 9-5-2000, 40 tiếp viên khách sạn Bạc Liêu được đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng 2 kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tổ khám hôm ấy gồm nữ bác sĩ X và hai nữ hộ sinh thuộc bộ phận quản lý vệ sinh lao động của trung tâm.

Thời ấy, có lẽ vì không còn đồ dùng nào tiên tiến hơn nên khi khám phụ khoa, tổ khám sử dụng mỏ vịt – một dụng cụ y tế cổ điển – đưa sâu vào âm đạo. Cách làm đó khiến các chị em nữ tiếp viên đều có cảm giác đau rát. Vả chăng trong khi khám, bác sĩ cũng như các nữ hộ sinh ăn nói, ứng xử không lấy chi làm dịu dàng lắm: “Cởi quần ra”, “Dạng… háng ra”. Điều đó càng làm các nữ tiếp viên sợ hãi.

Hai nữ tiếp viên A (18 tuổi) và B (23 tuổi) rất lo sợ. Hai cô thỏ thẻ trước với tổ khám rằng hai cô còn là con gái, chưa hề quan hệ chăn gối với người khác phái và chưa lập gia đình, đề nghị được khám nhẹ tay. Tổ khám không mấy lạc quan, bởi họ không tin rằng trên đời này có chuyện làm tiếp viên matxa mà còn trinh bạch.

Họ vẫn cứ tiếp tục dùng mỏ vịt khám cho A và B một cách thô bạo như đã áp dụng với các chị em khác. Hai cô A và B khóc lóc, van xin và đẩy tay họ ra. Kết quả thật tai hại: cả hai cô gái đều có cảm giác đau rát và xảy ra hiện tượng chảy máu tại chỗ.

Người phụ trách đưa các chị em đi khám đã phản ảnh tình trạng đáng tiếc này với bác sĩ phó giám đốc trung tâm. Ông phó giám đốc viết giấy giới thiệu cho hai cô vào Bệnh viện Bạc Liêu khám lại. Kết quả khám lại khẳng định: cả hai cô đều bị rách mới màng trinh.

Ngay chiều hôm ấy, hai cô gái đáng thương đã làm đơn gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Bạc Liêu (cũ) đề nghị được xem xét giúp đỡ. Biên bản giám định của tổ chức giám định pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận cả hai đều bị rách mới màng trinh. Vụ này 11 năm trước đã khiến êkip khám sức khỏe ngày ấy, có cả bác sĩ X, bị kỷ luật cảnh cáo.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 3: CÁI VẾT NỨT Ở BỤNG

Khoảng đầu tháng 6-1999, thừa dịp chồng chị đi vắng anh P. sang nhà chị chơi. Chị đang ru con ngủ thì anh P. ngỏ lời ong bướm rằng anh rất thương yêu chị rồi sau đó đòi… cho ngủ chung một tí. Chị quyết liệt chống đối, anh P. bỏ ra về. Cứ như vậy, mỗi lần chồng đi làm ăn xa anh P. lại sang nhà chị ca bài ca con cá vàng lơ lửng cũ. Tất cả những chuyện xảy ra đều được chị thuật lại cho chồng biết.

TT – Đó là phiên tòa phúc thẩm xử một vụ đòi bồi thường danh dự ở Cà Mau. Ra trước tòa hôm ấy có nguyên đơn là chị L.H.N. và bị đơn là anh V.H.P.. Cả hai cùng ngụ tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.

“Chú em” và bà chị

Trước đó, Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi đã xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng này, tuyên bố bị đơn P. phải xin lỗi nguyên đơn N. công khai trước nhân dân ấp và bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, danh dự cho chị N. 5 triệu đồng. Anh P. nộp đơn chống án.

Trước tòa phúc thẩm, chị N. trình bày: Chị biết anh P. từ năm 1994 khi về làm dâu bên quê chồng. Mối quan hệ giữa chị và anh P. đơn thuần chỉ là hàng xóm. Anh P. nhỏ hơn chị hai tuổi nên chị xưng là “chị”, gọi anh P. là “chú em”.

Khoảng đầu tháng 6-1999, thừa dịp chồng chị đi vắng anh P. sang nhà chị chơi. Chị đang ru con ngủ thì anh P. ngỏ lời ong bướm rằng anh rất thương yêu chị rồi sau đó đòi… cho ngủ chung một tí. Chị quyết liệt chống đối, anh P. bỏ ra về. Cứ như vậy, mỗi lần chồng đi làm ăn xa anh P. lại sang nhà chị ca bài ca con cá vàng lơ lửng cũ. Tất cả những chuyện xảy ra đều được chị thuật lại cho chồng biết.

Cho đến một ngày cuối tháng 9-1999, anh P. lại đến nhà chị thực hiện kịch bản trên. Lần này, anh P. dọa giết chị và hứa sẽ tung tin cho mọi người biết rằng chị đã có quan hệ tình dục với mình. Anh P. dọa sẽ làm mất uy tín và gây mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng chị nếu không đáp ứng yêu cầu cho anh ta “yêu đại một phát”!

Chị N. tiếp tục cự tuyệt. Quả nhiên sau đó, trong những bữa nhậu với bạn bè P. khoe đã từng ngủ với chị N. Nguồn thông tin tai hại đó đồn rùm lên khắp ấp khiến gia đình bên chồng chị N. nghi ngờ chị. Ức lòng, chị N. nộp đơn kiện cái trò nói xấu “dai như đỉa đói” này của P..

Trước tòa, anh P. khăng khăng khẳng định: Chuyện chị N. có ngoại tình với anh là… có thật. Anh đã “mần ăn” được cả thảy ba lần. P. khai ba lần quan hệ đó xảy ra ở ba thời điểm khác nhau và không gian khác nhau: phía sau nhà mẹ chồng chị, góc hè bên phải nhà chị, nơi đặt mái chứa nước của nhà chị! Thời gian quan hệ là ban đêm, hai lần quan hệ diễn ra sau 21 giờ, một lần lúc 23 giờ.

Như cảm thấy chưa đủ sức thuyết phục tòa rằng mình nói thật, anh P. còn khai thêm anh biết rõ vết nứt trên bụng chị N. Anh gọi đó là một “chứng cứ” chứng minh anh đã được “yêu”. Cho nên trong đơn chống án anh không đồng ý bồi thường và xin lỗi.

Vết nứt phỏng đoán

Phiên xử sôi nổi hẳn lên khi hội đồng xét xử thẩm vấn anh P. Trước hết, về ba địa điểm, tòa cho rằng anh P. là hàng xóm, lại thường lui tới nhà chị N. nên biết rất rõ đặc điểm cảnh quan xung quanh nhà. Việc anh mô tả gốc dừa ra sao, mái đựng nước thế nào là không cần thiết và cũng không có cơ sở để tin anh từng quan hệ với chị N. tại các chỗ ấy.

Thứ hai, về vết nứt trên bụng chị N. mà anh P. cho là “chứng cứ”, tòa chất vấn kỹ. Tòa: “Anh có thấy dấu vết riêng trên người chị N. không?”. Anh P.: “Dạ, có thấy. Chị có vết nứt da ở bụng”. Tòa: “Anh khai quan hệ ban đêm, không có đèn lửa. Làm sao anh thấy được vết nứt đó? Bộ anh dám mở đèn sáng lên mà nhìn kỹ à?”. Anh P.: “Thưa quý tòa, tôi rờ”. Tòa: “Rờ sao nói là thấy được?”. Tới đây anh P. ngẩn tò te vì hớ. Tòa giải thích thêm việc một phụ nữ sau khi sinh con da bụng có những vết nứt theo chiều ngang là chuyện bình thường, nên đừng có nghĩ rằng cứ suy đoán “bụng có vết nứt” để chứng tỏ mình “biết” về chị N. là không chính xác. Cái này thì anh P. cứng họng, cà lăm không trả lời được. Tòa bác bỏ cái gọi là chứng cứ do anh P. đưa ra.

Về phần chị N., chị khai những lần anh đến nhà ve vãn, chị đã báo cho gia đình chồng và chồng chị biết. Lần cuối cùng khi anh P. đến hăm dọa, chị đã đến trình báo chính quyền xã và được nhiều bà con hàng xóm biết. Tới đây anh P. đành đuối lý.

Từ những chứng lý rành rành, tòa xét thấy không có cơ sở chấp nhận đơn chống án của anh P. Tòa cho rằng hành vi khai báo bịa đặt của anh P. đã làm gia đình, bà con lối xóm và cả chồng chị N. nghi ngờ lòng chung thủy của chị. Ở chừng mực nào đó cuộc sống vợ chồng cũng bị ảnh hưởng.

Tòa tuyên y án sơ thẩm, buộc anh P. phải công khai xin lỗi chị N. trước nhân dân ấp và bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị N. 5 triệu đồng. Kể từ ngày chị N. có yêu cầu thi hành án, nếu anh P. chậm thi hành còn phải chịu thêm phần lãi suất theo mức lãi nợ quá hạn.

Sau khi nghe tuyên án, những người tham dự phiên xử hôm ấy đứng dậy vỗ tay hoan hô hội đồng xét xử. Chị N. chạy ra ôm lấy người chồng, khóc nức nở trong tay anh.

“Đồ mắc dịch!”

Ông L. (sinh năm 1935) và cô T. (sinh năm 1985) vốn là hàng xóm, cùng ngụ chung một ấp, một xã thuộc huyện C, tỉnh Tiền Giang. Vì ở gần nhau nên trong những lúc rảnh rỗi T. thường sang nhà ông L. chơi. Dù biết T. còn là trẻ con, chưa đủ 16 tuổi nhưng ông L. đã nhiều lần dụ dỗ cho tiền T. để lợi dụng quan hệ tình dục. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang nêu rõ: Từ tháng 12-1999 khi T. mới 14 tuổi, ông L. đã ba lần dụ dỗ để giao cấu với T. Ông L. cho T. hai lần tổng cộng 50.000 đồng. Tháng 1-2002 T. lập gia đình với một thanh niên ở xã bên.

Trước ngày cưới T. có nói rõ những gì đã xảy ra đối với mình cho người chồng tương lai biết. Anh là một thanh niên rộng lượng, cũng sẵn lòng quên hết những vấp ngã đáng tiếc của T. Sau ngày cưới T. và chồng trở về nhà dự một đám tiệc bên gia đình mẹ ruột mình. Ông L. với tư cách là khách mời lại đến vỗ đầu chú rể mới và nói oang oang chuyện ông ta từng ngủ với T. nhiều lần cho mọi người trong đám tiệc cùng nghe.

Dù cố nhịn cách mấy nhưng đến nước này chú rể mới cũng không giữ được sự bình tĩnh nữa. Anh tuyên bố trả cô T. về cho gia đình bên vợ và cắt đứt mối quan hệ vợ chồng. Gia đình của T. làm đơn tố giác yêu cầu xử lý ông L. Tháng 10-2002, ông L. bị tạm giam về tội giao cấu với trẻ em.

Tại phiên xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang tháng 6-2003, bị cáo L. khai nhận hết mọi hành vi phạm tội. Tòa tuyên phạt bị cáo L. năm năm tù về tội giao cấu với trẻ em.

Cái kỳ cục nhất trong vụ này là làm bậy, đã được bỏ qua mà còn ham hố chứng tỏ. Biết chuyện này có người nóng nảy gọi ông L. là đồ mắc dịch!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

 

ÁN LẠ ĐẤT PHƯƠNG NAM – KỲ 1

TT – Năm 1971, lúc 22 tuổi, tôi về Bạc Liêu dạy học. Nhiều em học sinh lớp đệ nhất chỉ thua thầy vài ba tuổi đã thân ái đặt cho tôi ngoại hiệu Tùng Xua tùa hia (tiếng Triều Châu – Đường Sơn đại huynh). Một sáng tháng 10-1971, Tùng Xua tùa hia đang ăn sáng trong tiệm Xừng Ký ngoài chợ Bạc Liêu thì chứng kiến một vụ việc ngộ nghĩnh. Từ đây, những câu chuyện bắt đầu…

TT – Năm 1971, lúc 22 tuổi, tôi về Bạc Liêu dạy học. Nhiều em học sinh lớp đệ nhất chỉ thua thầy vài ba tuổi đã thân ái đặt cho tôi ngoại hiệu Tùng Xua tùa hia (tiếng Triều Châu – Đường Sơn đại huynh). Một sáng tháng 10-1971, Tùng Xua tùa hia đang ăn sáng trong tiệm Xừng Ký ngoài chợ Bạc Liêu thì chứng kiến một vụ việc ngộ nghĩnh. Từ đây, những câu chuyện bắt đầu…

Kỳ 1: Hai cái sự rơi

Như thường lệ, khoảng 6 giờ sáng, chị Thạch Thị Rươl – một phụ nữ Khmer, gánh cái gánh bún nước lèo danh tiếng của mình ra chợ Bạc Liêu bán. Nồi nước luôn luôn sôi bốc lên mùi mắm thơm phức; tôm, thịt quay, cá lóc, rau xanh… tươi ngon hơn các gánh bún nước lèo của người khác. Giá của tô bún chỉ cỡ 5 đồng (giá lít xăng ngày ấy là 12 đồng) nên rất vừa túi tiền của khách hàng.

Rơi cái vú giả

Hôm ấy, từ trong khu gia binh có một chị vợ lính đi chợ sớm. Thấy chị Rươl gánh bún nước lèo tới, chị này có nhã ý ăn mở hàng nên cúi người nhìn vào nồi nước lèo gọi một tô bún. Trời xui đất khiến làm sao hôm ấy chị ta mặc chiếc áo hở cổ, mà mối chỉ may của chiếc nịt ngực cũng đến hồi quá đát. Cái thế cúi người “thưởng thức” đột ngột khiến sợi chỉ cuối cùng đứt luôn. Tõm một cái, một miếng mút độn áo ngực của chị, tục gọi là vú giả, rơi ngay vào nồi nước lèo thơm phức của chị Rươl.

Chị Rươl túm lấy bà khách mở hàng hậu đậu, la bài hãi: “Trời ơi! Gánh bún tui chưa bán mở hàng mà bà làm rớt… vú vào đó. Giờ tui bán cho ai?”. Chị buộc bà khách phải đền tiền nguyên gánh bún 120 đồng. Bà khách vừa xấu hổ sượng sùng, vừa lo số tiền không đủ cũng lên tiếng phân bua.

Sợ họ đánh nhau, mấy bà mấy chị trong chợ chỉ họ qua bên Hội đồng xã Vĩnh Lợi cho mấy ông phân xử. Chị Rươl vai gánh gánh bún, tay trái nắm tay bà khách dẫn qua hội đồng xã, cách chợ Bạc Liêu khoảng trăm mét.

Chủ tịch hội đồng xã Vĩnh Lợi lúc bấy giờ là ông T.V.V.. Ông mời hai phụ nữ ngồi để nghe họ “tường trình ủy khúc” – chữ dùng thời chế độ cũ. “Nguyên đơn” Rươl giành nói trước rằng nồi nước lèo và gánh bún của chị nói chung giá 120 đồng. Nay bà khách làm rớt… vú giả vào đó, không còn ai dám ăn uống gì nữa. Vậy bà khách phải đền cho chị 120 đồng; còn những món tôm, thịt, rau, bún cứ mang về… ăn cho phỉ.

Chị cũng ca cẩm việc rớt vú giả vào nồi nước lèo làm gánh bún danh tiếng của chị bị xúi quẩy, sợ khách hàng sau này không dám ăn, ảnh hưởng đến uy tín “thương hiệu” của mình.

“Bị đơn” mặt tái mét, sượng sùng trình bày chị ăn bún nước lèo của chị Rươl nhiều lần, thấy ngon nên định ăn mở hàng nhưng không ngờ “nó” rớt. Chị đi chợ chỉ đem theo mấy chục đồng, thật sự không đền nổi 120 đồng. Vả chăng theo chị, vú giả chỉ rớt vào nồi nước lèo nên chất lượng mấy món tôm, thịt không ảnh hưởng gì. Chị Rươl buộc chị mang về ăn cho phỉ chắc chị ăn không nổi, mà có rủ ai chưa chắc họ chịu ăn.

Ông V. thật sự bối rối. Ông nói: “Thôi được, hai chị ngồi chờ mấy phút”. Rồi ông đạp xe chạy qua Tòa án tỉnh Bạc Liêu cách đó khoảng vài trăm mét thỉnh giáo lục sự T.C.H.. Ông H. là người gốc Triều Châu, làm lục sự nhiều năm. Ông H. cố vấn cho ông V.: phần nào thật sự bị hư hao thì đền phần đó, có tính toán để châm chước, gia giảm những thiệt hại khác do sự cố này gây ra.

Ông V. quay về hội đồng xã xử như vầy: chị vợ lính làm rơi vú giả hư nồi nước lèo phải đền 30 đồng. Vụ việc đáng tiếc đó cũng gây những thiệt hại thương hiệu cho gánh bún mắm nước lèo nổi tiếng của chị Rươl nên phải đền thêm 20 đồng nữa. Riêng các phần thịt, cá, tôm, rau của chị Rươl không ảnh hưởng gì nên cũng không thiệt hại gì, chị Rươl không nên buộc chị vợ lính phải đền bù. Ông cũng động viên chị Rươl về nấu… nồi nước lèo khác, bán qua trưa và chiều để khỏi thiệt hại thu nhập trong ngày.

Án được thi hành tại chỗ. Chị vợ lính đền tiền ngay. Mười giờ trưa hôm ấy, chị Rươl lại gánh bún nước lèo ra chợ Bạc Liêu. Trước khi bán chị làm thủ tục xả xui: cầm hai tờ giấy báo cháy phừng phừng, nhảy qua nhảy lại trên cái đòn gánh để… đốt phong long!

Suýt rớt xuống cầu

Một sáng tháng 10-1971, ông Vưu Tôn – một người gốc Triều Châu cư trú tại Giồng Biển (phường Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu ngày nay), bưng cái mẹt bánh tiêu đi qua cầu Quay để xuống chợ Bạc Liêu bán như thường lệ. Tôi quen biết với Vưu lão hán, thường ăn bánh tiêu của ông.

Ông Tôn đi lên hơn nửa cầu, mắt nhìn xuống khung cảnh buôn bán nhộn nhịp phía dưới thì bỗng nhiên đạp nhằm… một miếng ván mục. Rắc một cái, chân phải của ông lọt thỏm xuống cầu, mẹt bánh tiêu đổ tưng bừng, cái rơi xuống sông, cái lăn như bánh xe xuống tận đầu đường Trương Vĩnh Ký. Bà con qua cầu thương ông già bị tai nạn, nhẹ nhàng đỡ và kéo chân ông ra khỏi lỗ ván mục. Chân ông trầy xước đổ máu, gót chân bị sưng. Một anh xe lôi khỏe mạnh bế ông lên đưa đến nhà thương Bạc Liêu cấp cứu. Bác sĩ bảo ông cữ đi lại trong mười ngày.

Ngay chiều hôm đó, ông Tôn bảo con bồng đến một chỗ đánh máy đơn thuê, viết một cái đơn kiện kỹ sư P., trưởng Ty Công chánh tỉnh Bạc Liêu. Đơn nói rõ: Ty Công chánh không làm hết nhiệm vụ, không thay ván mục để ông bị té lọt chân xuống cầu bị thương, đổ hết bánh tiêu và khiến ông mất thu nhập trong mười ngày. Ông Tôn yêu cầu trưởng Ty Công chánh phải đền bù các thiệt hại về sức khỏe và thu nhập cho ông.

Bình thường ông Tôn rất hiền, nhưng có lẽ hôm ấy bực bội vì cái chân bị sưng nên ông la rùm trời. Bằng cái giọng nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Triều Châu, ông Tôn tự xưng là hỏa (tôi), gọi ông P. khi là lứ (ông), khi là hia (anh). “Lứ coi cho kỹ li, cái chưn hỏa què dồi. Có khi nào lứ li qua li lại cái cầu ấy lâu, chỉ có pà con pình dân như hỏa li thôi. Hia phải lền lại cho hỏa tiền cơm thuốc” – ông Tôn nói cứng.Đơn kiện không gửi qua tòa án mà lại gửi ngay cho… tỉnh trưởng Bạc Liêu. Tỉnh trưởng Bạc Liêu có bút phê, chuyển qua cho ông phó tỉnh trưởng hành chính – thường gọi là ông phó T., mời hai bên lên giải quyết. Ba hôm sau, kỹ sư P. và ông Tôn gặp nhau tại văn phòng ông phó T..

Bình thường ông Tôn rất hiền, nhưng có lẽ hôm ấy bực bội vì cái chân bị sưng nên ông la rùm trời. Bằng cái giọng nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Triều Châu, ông Tôn tự xưng là hỏa (tôi), gọi ông P. khi là lứ (ông), khi là hia (anh). “Lứ coi cho kỹ li, cái chưn hỏa què dồi. Có khi nào lứ li qua li lại cái cầu ấy lâu, chỉ có pà con pình dân như hỏa li thôi. Hia phải lền lại cho hỏa tiền cơm thuốc” – ông Tôn nói cứng.

Kỹ sư P. cũng là người hiền lành, thấy ông già nổi nóng nên không dám cãi vã, chỉ xuống giọng năn nỉ: “Tui thấy rồi, tui thấy rồi. Bây giờ bác muốn đền bao nhiêu?”. “Hỏa lấy dẻ thôi. Lây là piên lai thuốc năm chăm tồng, mười ngày không li pán lược là một chăm tồng, pa chục tồng tiền pánh tổ. Vị chi là sáu chăm pa chục tồng”. “Dạ, bác ngồi nghỉ, tui chạy về ty để lấy tiền. Tui đi gấp quá không đem tiền theo”.

Ông P. chạy về Ty Công chánh, lát sau đem tiền qua. Ông Tôn nhận tiền đền bù, biểu con viết tờ bãi nại. Ông nói: “Lứ chưởng ty à, cho người thay dán mục li chớ không thì có người té lại lền tiền nhiều nhiều ló”. Có lẽ ông P. thấy điều đó là đúng, vài hôm sau trên mặt cầu Quay được thay nhiều tấm ván mới.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN